Chăm sóc “người dưng”
Ngày đêm, chị chăm lo từ miếng ăn đến giấc ngủ, từ vệ sinh cá nhân đến những nhu cầu sinh hoạt khác cho các cụ có công với cách mạng, cán bộ hưu trí không còn nơi nương tựa, được đưa vào Trung tâm nuôi dưỡng từ nhiều năm nay.
Cứ chiều tối hoặc sáng sớm chị Trần Thị Thanh Hà đẩy xe lăn các cụ đi dạo quanh Trung tâm. |
“Làm công việc này nếu không chịu khó, không có tấm lòng thì rất khó trụ lại với công việc”, chị tâm sự. Bởi chị chăm lo, săn sóc cho các cụ như chính người thân của mình nên dần dần các cụ đều coi chị như con cháu của mình. Cụ Võ Thị Huệ (86 tuổi, ở xã Mỹ Tài, Phù Mỹ) vào sống ở Trung tâm được 15 năm, nhận xét: “Cô Hà không chỉ chăm sóc chúng tôi tận tình, chu đáo, tình cảm giống như chăm sóc người thân trong gia đình mà còn nấu ăn rất hợp khẩu vị chúng tôi. Một ngày mà không thấy mặt cô Hà là chúng tôi thấy nhớ lắm”.
Từ 5 giờ sáng chị Hà đã có mặt tại Trung tâm để vệ sinh cho các cụ. |
Bà Lê Thị Thu Hường, Phó giám đốc Trung tâm CSNCC tỉnh, cho biết: “Cách đây 3 năm về trước, Trung tâm nuôi dưỡng 30-40 cụ nhưng hiện còn lại 11 cụ, người “trẻ” nhất cũng đã 78 tuổi, cao nhất 95 tuổi. Trong số này có 6 cụ nằm bất động một chỗ nên công việc chăm sóc rất vất vả”.
Chị Hà tự tay cho các cụ uống nước cam do mình đi chợ mua chọn những quả ngon nhất, rồi về vắt ra. |
Chăm sóc một người già yếu rất khó khăn trong khi chị Hà được giao chăm sóc nhiều cụ cùng một lúc. Chị làm việc với tấm lòng tận tâm, chu đáo, tình cảm được các cụ coi như con cháu. Lãnh đạo Trung tâm rất tin tưởng giao công việc chăm sóc các cụ cho chị và chị cũng là tấm gương sáng, đào tạo, dìu dắt các hộ lý trẻ vào nghề”.
Chị Hà đảm nhận luôn việc cắt tóc, cạo râu, cắt móng tay cho các cụ. |
Y tá Nguyễn Thị Hạnh (24 tuổi, quê ở Phù Cát) làm việc ở Trung tâm được 2 năm thổ lộ: “Khi tôi mới vào đây thấy công việc chăm sóc các cụ rất khó khăn, vất vả nên định thôi việc, nhưng cô Hà động viên, hướng dẫn tôi cách chăm sóc. Giờ đây mỗi khi gặp khó khăn trong công việc tôi lấy tấm gương cô Hà ra để tự động viên mình và tiếp tục gắn bó với nghề”.
Quần áo các cụ sổ chỉ, chị Hà chịu khó vá lại cho các cụ. |
Với công việc thầm lặng của mình, nhiều năm liền chị Trần Thị Thanh Hà đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, được Bộ LĐ-TB&XH tặng bằng khen; mới đây, tại Lễ phát động “Tháng Công nhân” năm 2015 chị được UBND tỉnh tặng bằng khen.
Những lúc rảnh rỗi chị Hà ngồi tâm sự với các cụ. |
Chị Hà kể chuyện cách đây hơn chục năm, một cụ ông sống ở Trung tâm cảm động trước sự chăm sóc tận tình, chu đáo của chị Hà trong mấy năm mình ốm nặng nằm một chỗ, đã ngỏ ý tặng chị 2 chỉ vàng, coi như là quà kỷ niệm trước khi ông “đi xa”. Chị Hà từ chối không nhận nhưng cụ năn nỉ chị nhận cho ông vui lòng. “Tôi đắn đo mãi không biết làm gì với món quà ấy, cuối cùng tôi mua một máy xay sinh tố dùng trong gia đình vừa dùng để xay nước trái cây cho các cụ ở Trung tâm vì nhà tôi ở gần đó. Cứ mỗi lần dùng đến nó, tôi lại nhớ đến cụ...”, chị tâm sự.
NGUYỄN PHÚC (thực hiện)/Báo Bình Định