Cấy lỗi lầm vào đầu đứa trẻ sẽ sinh ra những thế hệ đổ lỗi cho nhau
Từ khi trẻ con được sinh ra, được học nói từ người thân trong gia đình. Dạy nói sao thì nó nói vậy, nó quan sát cách sinh hoạt của những người xung quanh và học theo từ đó bước đầu hình thành nhân cách.
Khi trẻ đến trường, sẽ học kiến thức từ nhà trường, học từ các bạn xung quanh và từ đây nhân cách thuần thục dần.
Tôi là bác sĩ y khoa, theo quy định khi khám, chữa bệnh là phải mặc áo blouse trắng cho đúng tác phong ngành y. Nhưng thực tế nhiều bệnh nhân đến khám, thấy tôi nhiều khi không mặc áo blouse trắng. Không phải do tôi cố ý không tuân theo quy định nhưng bệnh nhân của tôi rất nhiều trẻ em và chúng đều có đặc điểm chung là rất sợ đi khám bệnh, nhiều cháu mới đến cửa nhìn thấy bác sĩ mặc áo trắng và chúng mặc định trong đầu là sẽ phải đối mặt với điều gì đó chắc chắn sẽ làm chúng đau và chúng khóc toáng lên làm lan truyền sự sợ hãi sang các cháu khác nên tôi rất khó có thể khiến chúng hợp tác để khám cho tốt.
Vì thế khi các cháu đến, tôi thường cởi áo blouse ra và ra bắt tay làm quen với chúng để chúng yên tâm hơn và hợp tác hơn khi khám bệnh. Tôi cũng nói với chúng là: “Ở đây không có bác sĩ, con có thấy ai mặc áo trắng đâu!”, phần lớn kết quả là các cháu rất vui vẻ và hợp tác.
Không nên cấy lỗi lầm để sau này sẽ có những thế hệ đổ lỗi cho nhau |
Cá biệt có những cháu nhát quá không khám được nhưng khi hỏi ra là gia đình thỉnh thoảng đem hình ảnh các y, bác sĩ ra doạ các cháu như “không ngoan, không ăn thì sẽ cho gặp bác sĩ để tiêm”. Cách làm đó sẽ khiến các cháu lo sợ và rất khó hợp tác khi khám bệnh và điều thiệt thòi lại thuộc về các cháu khi bác sĩ khó tiếp cận để khám bệnh.
Như vậy tôi cũng không quá cứng nhắc để trở nên đạo mạo và uy nghiêm trong bộ áo đồng phục ngành y. Nhiều nước, các y bác sĩ cũng làm điều này, thậm chí đồng phục của họ được in đầy nhân vật hoạt hình để thân thiện hơn với trẻ nhỏ.
Rõ ràng trẻ con như một tờ giấy trắng, chúng hồn nhiên giữa cuộc đời và tiếp nhận mọi thứ xung quanh để hình thành nhân cách. Doạ chúng nhiều quá chúng sẽ thành người nhút nhát, kém tự tin và sợ hãi. Chê bai nhiều quá khiến trẻ bị giới hạn về khả năng phát triển. Khen nhiều quá khiến trẻ dễ ảo tưởng và tự phụ. Thay vào đó hãy động viên những việc làm tốt để trẻ cố gắng phát huy và tự tin với những việc làm tốt đẹp.
Vì vậy người lớn hãy tự thấy phần trách nhiệm của mình khi thấy việc làm chưa đúng của con trẻ. Cháu bé tự ra cổng trường đứng cũng được nhưng cũng nên hỏi tại sao cháu lại ra cổng trường đứng?
Trẻ em tiểu học đâu có đủ nhận thức và ngôn từ để diễn tả các vấn đề xã hội mà giả sử trẻ có lỗi thì thường được coi là không có lỗi, và các cháu cũng không nhận thức được thế nào là lỗi khi không hiểu thế nào là hệ quả của một vấn đề.
Cấy một tư tưởng tốt vào đầu một đứa trẻ là giúp sau này có một thế hệ công dân tốt. Không nên cấy lỗi lầm để sau này sẽ có những thế hệ đổ lỗi cho nhau.
BS Nguyễn Tiến Phúc