Cầu vượt nhẹ: Hà Nội chuộng, các nước chê?
Cầu vượt nhẹ: Hà Nội chuộng, các nước chê?
T.S Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông đô thị trao đổi với phóng viên báo điện tử infonet xoay quanh vấn đề này.
TS. Nguyễn Xuân Thủy |
Hà Nội đang nghiên cứu xây cả cầu vượt nhẹ hai tầng, ông đánh giá thế nào về giải pháp này?
Xây cầu vượt hai tầng có nghĩa là tạo ra một ngã tư lập thể. Đây cũng là một giải pháp mang lại hiệu quả cao trong việc chống ùn tắc. Khi xây dựng nên ngã tư lập thể, giao thông sẽ không bị giao cắt nữa. Vì thế các dòng xe có thể lưu thông dễ dàng.
Nói cách khác xây dựng ngã tư lập thể để tạo nên một cầu vượt có nhiều nhánh, các phương tiện có thể đi vào các tầng khác nhau.
Một trong những khiếm khuyết ở khu vực chân cầu Chương Dương là không tạo ra một ngã tư lập thể. Từ đó đã tạo nên những điểm giao cắt, vì thế các phương tiện đi lại khó khăn. Nếu có một ngã tư lập thể ở vị trí này các phương tiện lưu thông sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Một số ý kiến cho rằng, việc tạo nên những cây cầu vượt khiến quy hoạch bị phá vỡ, đặc biệt sẽ ảnh hưởng đến hệ thống đường trên cao sau này. Quan niệm của ông về vấn đề này?
Tôi cho rằng quan niệm này không chính xác. Bức xúc nhất tại các thành phố lớn lúc này là vấn đề ùn tắc giao thông. Vì thế chúng ta phải có trách nhiệm giải quyết. Và cầu vượt tạm đang làm tốt việc này.
Chúng ta không thể chịu ùn tắc cho đến khi có đường trên cao. Mặt khác cũng chưa biết bao giờ Hà Nội mới có loại đường này. Hơn nữa khi xây dựng đường trên cao đúng vào vị trí cầu vượt này, chúng ta hoàn toàn có thể di chuyển đi chỗ khác.
Cá nhân tôi luôn khẳng định, giải pháp này đang đi đúng hướng, cần phải phát triển. Nhưng đây cũng là giải pháp tình thế, còn về lâu dài phải phát triển ngã tư lập thể tại những vị trí nút giao có 20 – 30 nghìn hành khách chờ.
Hiệu quả như vậy nhưng tại sao ở các nước trên thế giới và trong khu vực lại không áp dụng mô hình này, thưa ông?
Mô hình thì mỗi nước có một điều kiện khác nhau, nên các giải pháp đưa ra có thể khác nhau. Đúng là mô hình cầu tạm trên thế giới không nhiều. Nhưng thế giới họ đã làm tốt quy hoạch giao thông, vì thế người ta không phải sử dụng cầu vượt tạm.
Sau cầu một tầng, Hà Nội sẽ nghiên cứu triển khai cầu vượt nhẹ hai tầng. Ảnh LD |
Còn ở ta đang trong giai đoạn khó khăn, chưa làm được nhiều cho giao thông, ùn tắc đang xảy ra nghiêm trọng nên phải áp dụng giải pháp tình thế này.Nhưng nếu Hà Nội có điều kiện xây những cây cầu vĩnh cửu thì sẽ tốt hơn. Bởi cầu vĩnh cửu có thể chịu được trọng tải lớn, mọi phương tiện đều có thể đi qua. Còn cầu vượt nhẹ nếu xe tải trọng lớn vô tình đi vào sẽ gây hỏng, thậm chí còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng khác.
Nếu vô tình xe trọng tải trên 20 tấn đi vào có thể gây cong hoặc biến dạng cầu. Vì thế phải lưu ý làm thế nào để xe trọng tải lớn không đi trên cầu này bằng cách lắp đặt hệ thống che chắn, cảnh báo hết sức rõ ràng.
Tất nhiên khi làm cầu người ta phải đưa ra một hệ số an toàn nhất định. Nhưng nếu cứ để xe tải trọng lớn đi vào nhiều lần sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng cầu.
Tuy nhiên tôi cho rằng, với kinh phí vài chục tỷ xây cầu vượt tạm nhưng vẫn hiệu quả hơn rất nhiều so với những giải pháp tình thế khác, như phân luồng phân làn, bịt ngã tư, thu phí và một số chính sách không hợp lý khác…
Theo ông ngoài mô hình cầu vượt, Hà Nội và các thành phố khác có cách nào để giảm thiểu ùn tắc?
Hà Nội cần hạn chế làm bùng binh. Giải pháp này tốn kém hàng trăm tỷ đồng nhưng lại không hiệu quả, tắc vẫn hoàn tắc. Với số tiền này có thể xây dựng được một cái cầu vượt, hoặc tạo nên những ngã tư lập thể, hiệu quả hơn rất nhiều.
Ngoài xây cầu vượt cho phương tiện (chứ không phải cầu vượt cho người đi bộ), hạ tầng cơ sở phải nâng lên, đèn tín hiệu giao thông phải được nâng cấp. Ngoài ra phương tiện công cộng cũng phải phát triển mạnh mẽ, hiện đại hóa cao, chứ không chỉ dừng lại ở xe buýt. Cuối cùng mới nghĩ đến giáo dục ý thức của nhân dân.
Hà Nội và các thành phố khác muốn giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, phải tận dụng không gian phía dưới và trên đường. Dưới xây đường ngầm, trên xây đường trên cao bằng những cây cầu vượt. Tôi dám khẳng định, đồng tiền đưa vào xây cầu vượt là giải pháp đúng nhất và hợp lý nhất lúc này.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Dũng