“Cầu tàu tình yêu” ở Đà Nẵng: Lãng mạn, ngộ nghĩnh và… nguy cơ!
Lãng mạn và ngộ nghĩnh
Được đưa vào hoạt động từ đầu tháng 5/2015, “Cầu tàu tình yêu” thuộc dự án “Bến du thuyền và CLB thể thao dưới nước DHC-Marina” ở bờ Đông sông Hàn, cách đầu cầu phía Đông cầu Rồng không xa, đang là điểm đến khá hấp dẫn đối với người dân Đà Nẵng cũng như du khách gần xa, nhất là giới trẻ.
"Cầu tàu tình yêu"thuộc dự án “Bến du thuyền và CLB thể thao dưới nước DHC-Marina”... (Ảnh: HC) |
Không như tượng “Cá chép hóa rồng” (cũng thuộc dự án này) bị nhiều người cho là “học theo” khá lộ liễu tượng Sư tử biển Merlion – biểu tượng của đất nước Singapore, cầu tàu tình yêu dù cũng lấy ý tưởng từ những cây cầu treo ổ khóa nổi tiếng trên thế giới như Pont des Arts bắc qua sông Seine (Pháp), tháp Nam San (Hàn Quốc) hay Milvio - cây cầu cổ nhất ở thủ đô Roma (Ý)… nhưng vẫn tạo được nét riêng.
Tại đây, mỗi ngày có hàng trăm lượt bạn trẻ đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Đặc biệt, nhiều cặp đôi đã tìm đến đây, “khóa tình yêu” vào cầu tàu được thiết kế khá lãng mạn, thể hiện mong ước gắn bó bền chặt bên nhau. Những ổ khóa được các lứa đôi yêu nhau móc lên thành cầu tàu và khóa lại để lưu giữ khoảnh khắc hạnh phúc.
đang là điểm đến hấp dẫn nhiều bạn trẻ (Ảnh: HC) |
Theo Công ty TNHH Đá Chàm (quận Hải Châu, Đà Nẵng): tại quầy vé của bến du thuyền, Công ty này cung cấp nhiều mẫu khóa đơn, khóa đôi nhiều kích cỡ, khắc tên, khắc họa tiết trái tim và đặc biệt là không có chìa để các bạn thể hiện tình yêu của mình. Ngoài ra, mọi người cũng có thể mang những “ổ khóa tình yêu” đến khóa vào cầu tàu.
Do vậy mà trên “cầu tàu tình yêu” đã và đang xuất hiện đa dạng “chủng loại” ổ khóa chứa đựng nhiều thông điệp. Đa số các bạn trẻ sử dụng các loại ổ khóa không chìa hình trái tim được cung cấp tại chỗ. Cũng có nhiều bạn đem ổ khóa từ nơi khác đến, “vai u thịt bắp” như ổ khóa kho hàng cũng có, đắt tiền như các loại khóa ngoại cũng có, “đa năng” như khóa dây cũng có, “trí tuệ” như khóa số cũng có; khắc họa tiết cũng có, sơn màu viết chữ cũng có.
Đa dạng các chủng loại khóa chứa đựng nhiều thông điệp được các lứa đôi yêu nhau khóa vào cầu tàu này (Ảnh: HC) |
Có khi loại khóa này khóa chung vào loại khóa khác. Cũng có những ổ khóa không biết có phải do tình yêu gặp lúc “trắc trở” hay không mà trở nên… cong queo. Nhưng trên hết vẫn là những ổ khóa thể hiện tình yêu sâu đậm mà chân chất của người xứ Quảng. Như có ổ khóa tuy chỉ là màu đen mộc mạc nhưng trên đó, ngoài chữ viết tắt tên hai người yêu nhau và hình trái tim còn có hai chữ “Yêu miết” màu trắng, vừa ngộ nghĩnh, lại vừa nói lên bao điều!
Nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ!
Đáng nói là với lượng khách đến đây ngày càng đông thì cũng bắt đầu nảy sinh tình trạng… xả rác. Theo quan sát của chúng tôi, trên cầu tàu tình yêu này đã xuất hiện rải rác nào vỏ hộp sữa, hộp nhựa nước giải khát, bịch nilon… Thậm chí có ly café (nhựa) uống dở, để chênh vênh ở mép cầu tàu, lâu tới mức đã lên men tới mấy lớp và chỉ chờ có gió mạnh một tí là rơi tòm xuống sông.
Tuy nhiên rác thải đã bắt đầu xuất hiện trên cầu tàu... (Ảnh: HC) |
Trên đoạn sông được “bao bọc” bởi cầu tàu tình yêu, nhà bến và tòa nhà nổi 5 tầng hình mũi tàu đang xây dựng này cũng đang xuất hiện rác thải, như vỏ lon sơn, vỏ chai nước suối, hộp cơm, củi khô, ly nhựa, túi nilon…, nhất là ở bờ kè ngay dưới chân quán café Molly’s cũng thuộc khu nhà bến của dự án “Bến du thuyền và CLB thể thao dưới nước DHC-Marina”.
Đây không phải chuyện “vạch lá tìm sâu” mà là một thực tế đang diễn ra. Do gần như bị “khép kín” bởi các công trình nêu trên, trong khi móng của khu nhà bến không phải là những cọc trụ rời để có thể “thông thủy” mà hoàn toàn bị bịt kín (có lẽ để làm hầm xử lý nước thải, chất thải của dự án) nên nước từ phía thượng nguồn sông Hàn chảy ra biển không thể đi thông qua móng khu nhà để vào đoạn sông này được.
lẫn dưới sông (Ảnh: HC) |
Hậu quả là đoạn sông đang có nguy cơ thành nơi “ao tù nước đọng”. Cộng thêm vấn nạn xả rác tùy tiện đã bắt đầu xuất hiện thì việc đoạn sông này phải đối mặt với việc trở thành một “túi rác” ô nhiễm là điều cần phải tính đến. Bởi dù có cửa mở về hướng biển nhưng vì nước từ thượng nguồn không vào được nên không có dòng chảy tự nhiên để đẩy rác ra khỏi đoạn sông này.
Ngược lại, vào mùa mưa lũ sẽ có đủ thứ rác rưởi, thân cây, xác súc vật… từ thượng nguồn theo các nhánh sông Cẩm Lệ, Cổ Cò, Cầu Đỏ, Túy Loan đổ về, gây ra những va đập khó lường. Một phần không nhỏ trong số đó sẽ tấp vào bến du thuyền DHC-Maria với cầu tàu dài 40 – 50m “vươn” ra xa ngoài lòng sông, như từng ứ đọng vào các mố cầu Cẩm Lệ, Hòa Xuân, Nguyễn Văn Trỗi, Cầu Đỏ làm mực nước dâng cao 3 – 4m, gây tác hại cho các công trình xây dựng và ảnh hưởng đến các hoạt động đô thị.
Do bị chắn bởi nhà bến và cầu tàu dài 40 - 50m vươn ra khá xa ngoài lòng sông... |
nên đoạn sông Hàn qua khu vực này đang có nguy cơ trở thành nơi "ao tù nước đọng" do không có dòng chảy tự nhiên, thậm chí trở thành một "túi rác ô nhiễm"! (Ảnh: HC) |
Liệu Công ty Cổ phần DHC-Marina (chủ đầu tư dự án) và các cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng có lường đến điều này?