Câu chuyện nghịch lý 'hào phóng với người giàu, keo kiệt với người nghèo' đăng hàng trăm lần vẫn gây tranh luận
Những tình huống quá quen thuộc với tất cả chúng ta nhưng khi đặt cạnh nhau trong câu chuyện này lại mở ra những nghịch lý khiến ai cũng phải suy nghĩ.
Cốt truyện hào phóng với người giàu nhưng keo kiệt với người nghèo được lan truyền suốt mấy năm nay trên mạng xã hội với nhiều phiên bản khác nhau. Thế nhưng lần nào được đăng tải cũng thu về vô cùng nhiều lượt quan tâm, bình luận.
Nội dung cụ thể câu chuyện lần này như sau:
"Một cô gái hỏi: Bao nhiêu tiền 1 trái dừa vậy ông?
Ông già bán dừa trả lời cô gái: Thưa cô 10 ngàn 1 trái.
Cô gái nói: Bán cho tôi 2 trái 15 ngàn được chứ, không được tôi đi chỗ khác.
Người bán dừa trả lời: Cô lấy đi, 15 ngàn 2 trái. Tôi nghĩ như vậy cũng tốt rồi bởi vì cả ngày nay tôi chưa bán được cho ai cả.
Cô gái lấy 2 trái dừa và bỏ đi với cảm giác của một người chiến thắng.
Cô ấy bước vào xe hơi và đi đón cô bạn, cả 2 cùng tới một quán ăn sang trọng. 2 cô gái ngồi xuống bàn và gọi những thứ họ thích. Họ chỉ ăn một ít và để lại rất nhiều thứ mà họ gọi ra.
Sau đó cô ta thanh toán hóa đơn. Hóa đơn là 950 ngàn, cô gái đưa 1 triệu và nói với ông chủ quán: Khỏi thối.
Sự việc này có vẻ rất bình thường đối với ông chủ quán giàu có. Nhưng nó rất đau đớn cho người bán dừa tội nghiệp. Tại sao chúng ta thể hiện sự tính toán chi li khi chúng ta mua hàng của những người nghèo khổ tội nghiệp? Và tại sao chúng ta lại quá hào phóng với những người không cần sự hào phóng của chúng ta?
Mỗi lần một đứa trẻ nghèo đến với tôi để bán một cái gì đó đơn giản, tôi lại nhớ về ba tôi. Ba tôi thường mua những món đồ lặt vặt từ những người nghèo khó với giá cao, mặc dù ông không thực sự cần đến chúng. Có lần tôi thắc mắc hỏi ba về hành động “kỳ quặc” đó thì ba tôi nói: "Đó chính là chân giá trị của cái gọi là từ thiện”".
Đây đúng là câu chuyện quá quen thuộc xảy ra trong cuộc sống thường ngày nhưng không phải ai cũng "tỉnh ngộ" khi được hỏi: Tại sao lại làm vậy?
Tại sao mọi người lại sẵn sàng tip tiền cho người phục vụ trong các hàng quán mà lại mặc cả từng đồng lẻ khi mua một mớ rau, một quả dừa của người bán hàng lam lũ? Đó có phải là do người phục vụ bán hàng đáng để được cảm ơn hay vì lí do gì?
Có nhiều người cho rằng việc đó là "thuận mua vừa bán", người nông dân chấp nhận bán bởi thấy như vậy đã có lãi rồi, còn người làm dịch vụ được nhận tiền bo, tiền tip là do họ bỏ sức ra để phục vụ làm hài lòng thực khách.
"Cái gì cũng có 2 mặt, có những người lao động thật thà thì không nên trả giá nhưng cũng có những kẻ gian thương buôn bán hét giá cắt cổ hơn giá thị trường. Còn nhà hàng quán ăn mà dịch vụ tốt thì người ta bonus thêm là bình thường chứ nhà hàng đắt tiền mà phục vụ kém, thức ăn tệ thì khách họ chửi vô mặt chứ đâu dại gì mà bonus thêm";
"Một quán ăn có đóng thuế, có dịch vụ tốt. Một tiệm bán lưu động. Và quan trọng nhất là người bán dừa không có các dịch vụ kèm theo để người mua có thể trả cao hơn. Nếu bác bán dừa bán 10k/trái, 3 trái 25k, thì người mua sẽ mua 3 trái nhiều hơn là trả giá 2 trái 15k. Người bán dừa khuyến mãi thêm việc chặt dừa, giữ nguyên giá 10k. Người bán dừa hoàn toàn thỏa hiệp việc "cả ngày chưa bán được" và đồng ý giảm giá - có nghĩa là người mua hoàn toàn nghĩ: 2 trái 15k là người bán vẫn đồng ý bán, đó là thuận mua vừa bán";
"Thuận mua vừa bán. Xưa giờ chỉ có mua lầm chứ không có ai bán lầm. Cô chú vỉa hè bán gánh nếu đã đồng ý với cái giá bị trả, bị giảm thì cô chú người ta cũng đã tính toán trước con số lời lãi như thế nào, được hay không mới đồng ý rồi. Làm như người ta dại lắm không bằng mà để bị chèn ép. Ngon thử bảo 10.000đ/ 3 trái xem, cô chú bổ cho trái dừa vô mặt. Ai rảnh ngồi không nghĩ ra cái tình huống này quả thực gây mâu thuẫn vô cùng";
"Bài viết chưa phản ánh đúng bán chất của sự việc. Bởi vì hành động tip cho người phục vụ là thái độ cảm ơn vì đã được phục vụ chu đáo. Còn việc mặc cả với người bán hàng là hành vi giữa người mua và người bán. Đừng bao giờ cho rằng người bán hàng ven đường là người nghèo và chưa chắc chủ nhà hàng đã là người giàu có, nhất là trong thời buổi dịch bệnh này. Tốt nhất cứ hành xử bằng cái tâm của mình là được".
Thế nhưng, có nhiều người lên tiếng cho rằng câu chuyện này tập trung vào lòng hào phóng nên đặt đúng chỗ hơn.
"Mặc cả bớt 1, 2 ngàn đồng cũng không làm bạn giàu thêm được bao nhiêu, nhưng với người nông dân gom góp cả ngày thì cũng lo đủ cho gia đình bữa cơm bữa cháo";
"Nhiều khi mua không trả giá vì thấy quá rẻ. Mà đôi lúc người ta thấy dễ thương người ta còn cho thêm";
"Mình đi chợ không bao giờ trả giá bớt mấy cô chú đó bán ngoài đó. Trừ trường hợp báo giá quá cao so với mặt bằng chung thì chỉ cảm ơn và không mua";
"Kỳ kèo với người nghèo thì cũng mất tiền với người giàu. Là nhân quả chứ gì nữa";
"Đấy chỉ là câu chuyện thôi. Chứ mấy người kỳ kèo vậy vào nhà hàng họ không có tip đâu nhá. Mà tip cũng đâu cho chủ nhà hàng, tiền đấy mấy nhân viên thôi mấy bạn ạ";
"Hồi sinh viên năm 2004 dẫn bạn gái đi ăn còn dư đâu hơn 50k tiền thừa, không hiểu sao mình lại tip hết cho cậu phục vụ. Về ghé quán tạp hóa mua mì gói ăn thêm cho no mà đứng cân nhắc loại 1k và 1,5k cả buổi";
"Nếu có phải thương ai đó vất vả, tôi chỉ thương người nông dân, trồng trọt vất vả mà không có quyền quyết định giá bán, luôn bị thương lái ép giá".
Hiện tại các luồng ý kiến tranh luận vẫn đang diễn ra, thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng. Vậy còn ý kiến của bạn như thế nào? Vui lòng bình luận vào phía dưới nhé!
Nghẹn lòng câu chuyện sau tấm vé hạng thương gia của người đàn ông lam lũ
Nghe tin 2 con gái song sinh gặp tai nạn thương tâm, người đàn ông quê Nghệ An òa khóc giữa sân bay, rồi thốt lên “Con gái tôi mất rồi cô ơi, cô cho tôi bay sớm với”. Hình ảnh ấy khiến những người chứng kiến nghẹn ngào.
Lam Giang