Cắt u gan lớn cho bé trai dù gia đình yêu cầu không được truyền máu
Các bác sĩ đang phẫu thuật lấy khối u. Ảnh bệnh viện cung cấp |
Bé Nguyễn.G.B (11 tuổi ở quận 6, TP.HCM) nặng 28kg, phát hiện có khối u lớn trong gan cách đây 6 tháng. Khi đến khám tại Bệnh viện Quốc tế City, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật, tuy nhiên người nhà bệnh nhân chỉ đồng ý phẫu thuật với điều kiện không được truyền máu của bất kỳ ai khác cho bé, kể cả máu của người thân ruột thịt.
Được biết, kể từ khi phát hiện bé bị khối u trong gan từ tháng 2/2018 đến nay, gia đình bé đã từng đưa bé đi nhiều bệnh viện lớn để mong cứu chữa, nhưng vì yêu cầu không cho truyền máu trong quá trình phẫu thuật nên các bệnh viện đều từ chối điều trị. Đến khi vào Bệnh viện Quốc tế City, khối u trong gan bé đã lớn đến 10cm.
Đứng trước yêu cầu ngặt nghèo này, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn kỹ lưỡng, làm các kỹ thuật cận lâm sàng chặt chẽ và vẫn quyết định phẫu thuật cho bé.
Khối u gan sau khi được lấy ra |
Trước phẫu thuật, bệnh nhân được các bác sĩ cho uống thuốc để kích hồng cầu phát triển. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được truyền các dịch truyền thay thế máu để bảo đảm sức khỏe suốt quá trình mổ. Để bảo đảm sức khỏe của bé, bệnh viện chủ động sử dụng máy truyền máu hoàn hồi (Cell Saver), dùng chính máu của người bệnh truyền qua thiết bị rồi truyền trả lại cho bệnh nhân.
Phương pháp này đặc biệt hữu ích vì có thể hoàn hồi đủ lượng máu cần thiết cho cơ thể, hạn chế tối đa nhu cầu truyền máu, tránh được những biến chứng nguy hiểm của phương cách truyền máu đồng nhóm cổ điển, giúp giảm áp lực thiếu máu cho bệnh viện.
PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Cường cho biết: “Trong khi mổ, chúng tôi đã hạ huyết áp của bé xuống để cắt gan ít bị chảy máu, sử dụng máy truyền máu hoàn hồi, hút máu em bé ra, sau khi lọc, bơm trả lại cho cơ thể em bé. Chúng tôi nghiên cứu kỹ phim chụp CT scan bụng thấy có những mạch máu bất thường, tiên lượng trong cuộc mổ dễ chảy máu, lượng máu có thể sẽ mất nhiều. Do đó, phẫu thuật viên đã phẫu thuật hết sức cẩn thận, phẫu tích tỉ mĩ từng tí một, cầm máu cẩn thận, khống chế các mạch máu lớn nuôi khối u gan.
Sau 2h10, bác sĩ đã cắt bỏ được phần gan có chứa khối u và cắt túi mật. Phần gan cắt bỏ chiếm khoảng 15% thể tích gan. Đối với trẻ em ở lứa tuổi này, gan sẽ tăng sinh phục hồi nhanh để bù lại phần gan đã cắt. Trong suốt cuộc mổ, lượng máu mất khoảng 200ml. Sau đó bệnh viện đã dùng máy truyền máu hoàn hồi để thu hồi máu, lọc và truyền lại cho bệnh nhi. Đây là ca đầu tiên bệnh viện sử dụng phương pháp truyền máu này”.
Các bác sĩ cho biết, nếu không phẫu thuật, khối u trong gan bé sẽ phát triển ngày càng lớn và có nguy cơ vỡ ra gây đột tử nếu không cấp cứu kịp thời. Khối u gan phát triển rất nhanh, nếu không can thiệp thì thời gian sống còn của bé chỉ tiên đoán vài tháng. Tính trung bình cứ 100 trẻ có khối u gan ác tính thì 30% trẻ sẽ sống kéo dài 3-5 năm. Bệnh nhân sau phẫu thuật sẽ phải tái khám định kỳ để có những điều trị, can thiệp kịp thời nếu khối u tái phát.