Cặp vợ chồng 100 tuổi
Nói đến trường thọ thì có lẽ vợ chồng cụ ông Phan Nhị và bà Nguyễn Thị Hồng thuộc vào hàng bậc nhất hiện nay ở Quảng Ngãi. Mặc dù cả hai ông bà đã bước qua tuổi 100, con cháu đề huề nhưng mấy năm nay hai cụ vẫn tự chăm sóc cho nhau trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ, nhưng ấm tình chồng vợ. Chúng tôi đến thăm hai cụ vào lúc gần trưa. Cụ bà đang lau dọn bàn ghế, nghe tiếng khách đến vội gọi với ra vườn. Cụ ông đang tỉ mẩn cuốc đất, chăm sóc luống rau đang thì tươi tốt.
Vợ chồng cụ ông Phan Nhị và cụ bà Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: X.H |
Tuổi cao nhưng cụ Nhị vóc dáng săn chắc, bước đi nhanh nhẹn và rất tinh tường. Cụ cất giọng rổn rảng: “Chăm đám rau để ăn, đám chuối để bán kiếm tiền tiêu Tết. Không có cái vườn này thì không vui đâu, có làm việc, có lao động thì mới ăn nhiều, ngủ tốt được”. Hai cụ có 11 người con cả trai lẫn gái và gần 60 cháu, chắt. Đứa ở sát vách, đứa ở tít miền Nam, nhiều lần các con muốn đón ông bà về ở cùng để chăm sóc, nhưng cả hai ông bà nhất quyết không chịu. Cụ Nhị bảo: “Hai vợ chồng tôi muốn ở riêng, không muốn phiền con cháu”.
Cả hai ông bà quê gốc ở thôn Kim Giao, xã Phổ Thuận, kết hôn khi tuổi đôi mươi. Thời kháng chiến chống Pháp, ông bà cùng nhau làm du kích, làm liên lạc cho bộ đội. Mãi đến năm 30 tuổi bà mới hạ sinh đứa con đầu lòng, rồi lần lượt những đứa con tiếp nối ra đời. Chiến tranh loạn lạc, đói khổ, ông bà chỉ biết cố gắng lao động để nuôi con. Ông được mệnh danh là người trồng lúa giỏi nhất vùng. “Bình thường gia đình người ta chỉ làm có vài sào lúa, còn nhà mình làm đến 5, 6 mẫu lúa, mùa nào cũng đong trên 200 giạ lúa cả”, ông Nhị nhớ lại. Trong kháng chiến chống Mỹ, gia đình cụ là một trong số ít gia đình vẫn trụ bám tại vùng tranh chấp. Ban ngày vợ chồng, con cái cùng nhau làm ruộng, đêm đến tiếp tế lương thực cho bộ đội, làm cơ sở cho cách mạng…
Kể về cái Tết trong thời chiến, cụ bà bảo: “Hồi đó đến Tết vẫn làm bánh nổ, bánh thuẫn… để cúng gia tiên. Sang hơn thì có thêm đĩa thịt heo. Nhưng cũng không ít lần Tết bị vùi lấp trong tiếng bom, tiếng đạn, cả nhà đùm túm nhau chạy trốn…”. Cuộc sống vô cùng khốn khó, nhưng ông bà vẫn nuôi dạy con cái nên người. Cụ Nhị cười khà: “Giờ vợ chồng tôi an tâm rồi, con cháu đều thành đạt, vợ chồng tôi không phải lo nghĩ gì cho cuộc sống của chúng nữa. Tết đến con cháu tề tựu đông đủ là vui rồi”. Với những con cháu sống xa nhà, hằng tuần cụ Nhị thường điện thoại để nhắc nhở cố gắng làm việc và sống cho lạc quan, vui vầy.
Một ngày mới với hai cụ luôn được bắt đầu với sự lạc quan. Cả hai cùng nhau đi bộ quanh sân nhà, rồi cùng nhau dùng bữa sáng. Dù tuổi cao nhưng hôm nào cụ Nhị cũng ra vườn chăm sóc luống rau tươi phục vụ bữa ăn hằng ngày. Hôm nào khỏe cụ bà cũng ra giúp bắt sâu, nhổ cỏ. Thời gian còn lại trong ngày, hai cụ xem tivi, nghe đài, trò chuyện cùng con cháu. “Không làm việc cứ thấy thiếu thiếu, ăn không ngon, ngủ không yên. Lao động mới tăng cường sức khỏe và vui vẻ, giúp sống lâu hơn”, cụ Nhị cười nói. Ở sát vách nhà của hai cụ là nhà của người con gái thứ năm, bà Phan Thị Sâm. Năm nay bà Sâm cũng đã 62 tuổi. Bà tâm sự: “Sống đến từng tuổi này, chưa một lần thấy ba mẹ to tiếng. Ngay từ nhỏ, ông già luôn nhắc nhở con cháu sống phải biết yêu thương nhau và phải sống cho vui vẻ, hạnh phúc”.
Chúng tôi ra về mà lòng như vui lây trước sức khỏe và tinh thần lạc quan của cặp vợ chồng “bách niên giai lão”. Câu hát về tình bạn, tình người, công cha nghĩa mẹ mà cụ ông dùng để tiễn chúng tôi ngân vang trong không gian ấm áp của mùa xuân và của tình người.
Theo XUÂN HIẾU/ Quảng Ngãi online