Cấp cứu co giật bằng cắn ngón tay: "Có một phần lỗi của ngành y tế"
Hình ảnh đẹp nhưng không nên làm theo |
Có lẽ đối với những người ngoài ngành y, không biết về cấp cứu, thì đây là một hành động quên mình vì người bệnh. Ngay cả với một số người trong ngành y nhưng kiến thức về cấp cứu động kinh chưa được tốt lắm, có thể cũng có chút nhầm lẫn trong việc này.
Còn nhớ hồi nào, đội tuyển bóng đá nam Việt nam đi tham dự giải đấu quốc tế ở một nước Đông Nam Á nào đó, nhiều cầu thủ bị đau mắt. Và theo thông tin trên báo chí thì các bác sĩ của đội tuyển đã chữa đau mắt cho các cầu thủ bằng cách vắt chanh vào mắt họ.
Thực ra thì rất nhiều kiến thức y học được truyền miệng trong dân gian từ xưa đến giờ không đúng với bản chất của y học chính thống. Chuyện cắn trúng lưỡi có thể gây chết người là chuyện trong phim ảnh. Trên thực tế, bản thân tôi đã khoảng vài trăm ca rách lưỡi sau chấn thương, nhưng chưa thấy ai chết vì lưỡi bị rách cả.
Rồi thịt bò, cam... là những chất bổ dưỡng sau mổ, sau khi bị thương. Chúng không phải là tác nhân gây ra sẹo lồi hay nhiễm trùng (chảy nước vàng). Cũng chẳng biết từ đâu mà trong dân gian lại truyền tụng câu chuyện ăn cam thì bị rỉ nước vàng, ăn thịt bò thì bị sẹo lồi.
Cam chứa nhiều chất bổ, đặc biệt là Vitamine C tự nhiên, có thể giúp gia tăng khả năng đề kháng của con người, tức là tăng khả năng chống nhiễm trùng, hơn là gây ra nhiễm trùng. Sẹo lồi được biết là do cơ địa, hoặc do khu vực của vết thương phải cử động co duỗi nhiều. Không có nghiên cứu nào chứng minh thịt bò gây ra sẹo lồi cả...
Trở lại với câu chuyện cấp cứu co giật bằng cách đút ngón tay vào miệng. Ở đây có phần lỗi của y tế. Xem lại vài hướng dẫn cấp cứu co giật của ngành y, có đoạn dùng cây đè lưỡi, hay vật cứng, cuốn gạc, nhét vào miệng bệnh nhân, giữa hai hàm răng. Sau này, người ta dùng cannula Mayo để làm việc ấy.
Tuy nhiên, việc mà các hướng dẫn y tế khuyến cáo không nhằm mục đích chống cắn vô lưỡi, mà là tạo đường thông khí. Không biết do không được giải thích kĩ hay không, mà khi những người tiếp nhận nó lại nghĩ rằng, việc đó là nhằm để chống cắn vô lưỡi.
Co giật có nhiều loại. Loại chúng ta hay gặp là những cơn động kinh toàn thân. Nếu là những cơn động kinh thì thường nó chỉ kéo dài dưới 1 phút (còn nếu kéo dài lâu thì bệnh nhân khó sống nổi, dù có xảy ra ngay tại phòng cấp cứu).
Khi cơn động kinh xảy ra, người ta chỉ có thể dọn dẹp những thứ có thể gây thương tổn cho người bệnh xung quanh khu vực bệnh nhân đang nằm. Và cố gắng (trong mức có thể), xoay đầu bệnh nhân qua một bên, để tránh đàm nhớt, chất nôn tràn vào phổi. Lúc ấy cũng chẳng ai có thể cạy răng người bệnh để nhét cái gì vào cả.
Chỉ khi những cơn co giật ngắn nhưng diễn ra liên tiếp, thì người ta mới chen vào giữa các cơn, để đặt các vật nói trên vào giữa hai hàm răng, ngăn không cho cơ co cứng làm tắc nghẽn đường thở. Việc này thường chỉ được thực hiện bởi nhân viên y tế hoặc nhân viên cấp cứu được huấn luyện đầy đủ.
Ngoài ra, điều quan trọng là khi bệnh nhân đang co giật, người ta không di chuyển bệnh nhân. Ngoài việc xoay đầu bệnh nhân qua một bên, người ta còn có thể cung cấp thêm oxy cho bệnh nhân, để tăng thêm lượng oxy khi bệnh nhân hít vô. Lúc này, do sự co cứng cơ, động tác hít vô có thể sẽ rất giới hạn.
Có thể các chiến sĩ cảnh sát cơ động của chúng ta trong bức hình trên đã được hướng dẫn, nhưng công tác hướng dẫn chưa được đầy đủ, nên hiểu sai ý nghĩa của việc cấp cứu co giật. Từ đó dẫn đến việc ôm bệnh nhân chạy và đưa ngón tay vào miệng bệnh nhân.
Động tác khiêng gấp người bệnh nhân, cùng việc đưa ngón tay vào miệng bệnh nhân, có thể làm giảm dung tích thở, làm tắc nghẽn đường thở, gia tăng nguy hiểm cho người bệnh.