Cấp bách tăng quỹ đất cho giao thông
Cấp bách tăng quỹ đất cho giao thông
Qũy đất dành cho giao thông quá ít
PGS. TS Lưu Đức Hải – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, quỹ đất dành cho giao thông nội thị ở các đô thị lớn tại Việt Nam quá thấp.
Đơn cử tại Hà Nội, tỷ lệ giữa diện tích đường giao thông so với tổng diện tích đất của các quận nội thành chỉ là 3,51% (năm 2008). Trong khi đó theo tiêu chuẩn chung của các nước tiên tiến, để giao thông thông suốt, chỉ số này phải đạt từ 20 – 25%.
Hiện quỹ đất dành cho các thành phố lớn ở Việt Nam rất ít. Ảnh LD |
Cũng theo PGS. TS Lưu Đức Hải, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đô thị không theo kịp mức độ đô thị hóa và sự gia tăng của các phương tiện giao thông. Trong khi đó, ở Hà Nội, chi phí duy tu bảo dưỡng chỉ chiếm 50% ngân sách dành cho đường bộ.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng thừa nhận, với sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa hiện nay, Hà Nội đang phải chịu một sức ép rất lớn về GTVT.
Ông Hùng cho rằng, Hà Nội đang thiếu một quy hoạch tổng thể và đồng bộ về phát triển GTVT. Tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông đã thấp, mạng lưới đường phân bố lại không đồng đều. Đặc biệt, đường trong đô thị thường ngắn, lại quá hẹp nên khả năng lưu thông của các phương tiện bị hạn chế.
Cần nâng cao chất lượng xe buýt hiện nay. Ảnh LD |
Theo ông Hùng, khâu vận tải hành khách công cộng còn nghèo nàn, chỉ có loại hình xe buýt thường. Trong khi đó việc đi lại bằng xe buýt chưa thực sự hấp dẫn người dân.
Để phát triển mạng lưới giao thông bền vững, ông Hùng cho rằng, cần phải ưu tiên tập trung phát triển mạng lưới khung về GTVT: Tập trung đầu tư xây dựng và cải tạo mở rộng các quốc lộ hướng tâm, hoàn thành khép kín các tuyến đường vành đai, xây dựng các tuyến đường chính kết nối trong nội đô…
Phụ huynh phải được nghỉ làm trước con cái
Đề cập đến vấn đề giao thông đô thị, phát triển đô thị, PGS. TS Nguyễn Quang Đạo, trường Đại học Xây dựng cho rằng, không phải cứ mở rộng đô thị là có thể giải quyết được vấn đề ùn tắc. Ngược lại đô thị càng mở rộng, nguy cơ ách tắc càng lớn nếu quy hoạch sử dụng đất không thích hợp với bài toán giao thông.
Để giải quyết vấn đề giao thông đô thị, theo PGS. TS Nguyễn Quang Đạo thì phải xuất phát từ quy hoạch, lựa chọn mô hình đô thị cho phù hợp và phải lấy giao thông công cộng là cơ sở cho quy hoạch đô thị.
Theo nhiều chuyên gia, các giải pháp tình thế có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết ùn tắc giao thông hiện nay.
Áp dụng giải pháp tình thế sẽ giảm ùn tắc giao thông. Ảnh Media |
Sau khi tập hợp nhiều ý kiến, GS. TS Vũ Hoan – Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Nội kiến nghị, đối với quy hoạch đô thị phải lấy giao thông công cộng làm định hướng phát triển. Đối với quỹ đất dành cho giao thông, cần sớm thống nhất và đưa ra một con số cụ thể.
Để giảm ùn tắc giao thông, GS. TS Vũ Hoan cũng cho rằng không thể thiếu đi các giải pháp tình thế hiện nay. Việc phân làn phân luồng là cần thiết, nhưng cần phải được áp dụng có cơ sở khoa học. Ngoài ra cần tính toán và điều chỉnh lại hệ thống đèn tín hiệu tại các nút giao cho phù hợp.
Điều chỉnh giờ làm: Cần thí điểm
Đối với việc thay đổi giờ học, giờ làm, GS. TS Vũ Hoan cho rằng phải xem xét ở nhiều góc độ khác nhau. Đặc biệt nên làm thí điểm ở một số khu vực ùn tắc, không nên làm đồng loạt vào thời điểm này.
Việc điều chỉnh giờ làm phải tạo thuận lợi cho các bậc phụ huynh trong việc đưa đón con cái. Ảnh LD |
GS. TS Vũ Hoan kiến nghị, đối với nhóm giao thông độc lập (học sinh trung học, sinh viên) giờ học có thể bắt đầu từ 6 giờ và kết thúc lúc 19 giờ. Với nhóm người giao thông phụ thuộc (cán bộ CNV, học sinh tiểu học, mầm non) giờ học sẽ bắt đầu từ 8 giờ, kết thúc lúc 18 giờ, đối với giờ làm của cán bộ CNV có thể bắt đầu từ 9 giờ, kết thúc lúc 17 giờ (thời gian nghỉ trưa 30 phút).
“Đi làm muộn hơn một tiếng và nghỉ làm sớm hơn một tiếng so với trẻ mầm non, tiểu học sẽ giúp phụ huynh thuận tiện trong việc đi làm và đưa đón con cái” – GS. TS Vũ Hoan chia sẻ.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc giảm phương tiện cá nhân phải có lộ trình. Qua đó, cần phải chuẩn bị phương tiện giao thông công cộng thật tốt, đồng thời phải rút ngắn tuổi thọ của các phương tiện cá nhân…
Nguyễn Dũng