Cảnh quan ngoài Trái Đất từ mọi góc nhìn trên hành tinh chúng ta
Núi lửa Dallol |
Núi lửa Dallol
Núi lửa Dallol nằm tại khu vực lòng chảo Danakil trên biên giới giữa Ethiopia và Eritrea. Địa hình ngoài trái đất của núi lửa này gợi nhớ đến bề mặt của Io – một trong số các vệ tinh tự nhiên của Sao Mộc. Tuy nhiên, kiểu địa hình này có nguồn gốc hoàn toàn từ trái đất và có hình bậc thang được hình thành bằng cách rửa trôi bề mặt bằng muối kali, mangan và sắt.
Miệng núi lửa Dallol nằm trên đỉnh các mỏ Đệ tứ, bao gồm các mỏ muối kali khổng lồ và những ngọn đồi xung quanh là phần còn lại của thành miệng núi lửa. Đợt phun trào cuối cùng của núi lửa Dallol được ghi nhận vào năm 1926. Hiện tại khu vực này không được các nhà làm phim Mỹ và châu Âu lựa chọn: bộ phim dài tập duy nhất được quay tại đây là bộ phim giả tưởng Ethiopia thời kỳ tận thế "Những mảnh vụn".
The Wave |
The Wave
The Wave nằm tại biên giới Arizona và Utah. Theo các nhà khoa học, những núi đá uốn lượn này đã được hình thành trong hơn 250 ngàn năm từ những cồn cát với hàm lượng oxit sắt, magiê, mangan cao, dần dần tạo nên hình dáng hiện nay. Cuối cùng The Wave được bào mòn bởi mưa và gió. Vấn đề duy nhất là cấu trúc này khá mong manh, do đó chính quyền hạn chế khách du lịch tới thăm quan khu vực này.
Dãy núi Wulingyuan |
Dãy núi Wulingyuan
Công viên quốc gia Trung Quốc ở Trương Gia Giới là nơi đã được chọn để quay bộ phim "Avatar" của đạo diễn James Cameron. Kể từ đó, du khách đến tham quan dãy núi Wulingyuan càng đông hơn. Dãy núi được hình thành bởi sự phong hóa của đá sa thạch và đá vôi. Dãy núi Wulingyuan bao gồm ba ngàn ngọn núi và các mỏm đá có hình dạng dị thường, được chia cắt bởi những hẻm núi sâu bên các dòng sông, hồ và thác nước.
Công viên địa chất Trương Dịch Đan Hà |
Công viên địa chất Trương Dịch Đan Hà
Công viên địa chất của Trung Quốc với tên gọi khó phát âm này nổi tiếng với những vách đá nhiều màu sắc. Những vách đá này xuất hiện do quá trình chuyển động của vỏ trái đất, phong hóa và xói mòn xảy ra trong khoảng 24 triệu năm. Đây chính là những mảng kiến tạo, từ đó hình thành nên một phần của dãy Himalaya.
Các lớp trầm tích sa thạch màu đỏ rực, màu cam kem, màu vàng tươi và màu xanh lá cây nằm xen kẽ trông như một chiếc bánh nhiều tầng đầy màu sắc. Năm 2010, vẻ đẹp ngoài hành tinh của Công viên địa chất Trương Dịch Đan Hà được đưa vào danh sách di sản thế giới UNESCO. Hiện nay vẫn chưa có bộ phim lớn nào được quay tại đây, nhưng những vách đá độc đáo thế giới vẫn là điểm đến thường xuyên của các đoàn làm phim thuộc kênh truyền hình National Geographic.
Quần đảo Socotra |
Quần đảo Socotra
Quần đảo Socotra của Yemen không chỉ nổi tiếng bởi văn hóa độc đáo có nguồn gốc từ thời các quốc gia cổ đại Nam Arabia mà còn bởi cảnh quan ngoài hành tinh. Lý do rất đơn giản: đa số thực vật nơi đây là loài đặc hữu và chưa từng bắt gặp ở nơi nào bên ngoài quần đảo.
Theo các nhà nghiên cứu, hệ động thực vật trên đảo là mẫu sinh quyển trên Trái đất không có nhiều biến đổi. Các nhà Đông phương học Nga đặc biệt quan tâm đến quần đảo này. Vào những năm 1980 họ đã tiến hành nghiên cứu hình thức quần cư tại đây và thậm chí tạo ra chữ viết dựa trên tiếng Ả Rập cho người dân bản địa. Trước đó, thổ dân nơi đây không có chữ viết.
Sa mạc Wadi Rum |
Sa mạc Wadi Rum
Sa mạc Wadi Rum ở Jordan là nơi ra đời bộ phim bom tấn "Người sao Hỏa". Cảnh quan nơi đây thật sự gợi nhớ đến bề mặt Hành tinh Đỏ, tuy nhiên người dân địa phương và khách du lịch thường gọi sa mạc với những tảng đá, mái vòm và hẻm núi đẹp như tranh vẽ là "Thung lũng Mặt trăng".
Đối với các nhà làm phim, sa mạc Wadi Rum là một địa danh mang tính biểu tượng: rất nhiều bộ phim đã được quay ở đây, trong đó có "Lawrence of Arabia (Lawrence xứ Ả Rập)", "Transformers: Revenge of the Fallen (Transfomers: Bại binh phục hận)" và "Prometheus (Bí ẩn hành tinh chết)".
Thung lũng khô McMurdo |
Thung lũng khô McMurdo
Thung lũng khô McMurdo tại Nam Cực là một trong những nơi khô cằn nhất trên Trái Đất. Các luồng gió từ trên đỉnh núi hướng xuống thung lũng đạt tốc độ lên đến 320 km/h gây ra trạng thái bốc hơi liên tục. Theo tính toán của các nhà khoa học, thung lũng không có băng trong tám triệu năm qua. Các nhà nghiên cứu đã so sánh quang cảnh sa mạc nơi đây với sao Hỏa, tại khu vực này người ta còn tiến hành thử nghiệm các thiết bị "Viking" để đưa lên Hành tinh Đỏ.
Vườn Quốc gia Valle de Lua |
Vườn Quốc gia Valle de Lua
Tại Brazil có có một dãy núi già mang tên Vale de Lua. Thành phần chính tạo nên dãy núi là thạch anh và tinh thể. Cao nguyên là vị trí của vườn quốc gia được hình thành khoảng 1,8 tỷ năm trước. Những khối đá bản địa là loại đá cổ xưa nhất trên thế giới: chúng chỉ nhỏ hơn Mặt trăng 2,5 lần.
Trong tiếng Nga, Vale de Lua có nghĩa là "Thung lũng mặt trăng". Những tảng đá được bào mòn bởi nước sông và thời gian, còn miệng núi lửa thực sự không giống như các miệng núi lửa thông thường trên Trái Đất. Khu vực này rất thu hút các nhà khảo cổ, ở đây họ thường tìm thấy những hóa thạch của động vật và các loài bò sát cổ đại.
Thung lũng Beacon |
Thung lũng Beacon
Cảnh quan của thung lũng Beacon ở Nam Cực gợi nhớ đến Hành tinh Đỏ không chỉ bởi vẻ bề ngoài: theo các nhà sinh vật học vũ trụ, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của khu vực này gần giống với sao Hỏa. Độ ẩm khu vực gần như bằng 0 và đất rất giàu kiềm.
Các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến thung lũng này. Năm 2007, từ một tảng băng cổ người ta đã lấy được các mẫu vi khuẩn mà ít lâu sau chúng hồi sinh và bắt đầu gia tăng số lượng. Kết quả của nghiên cứu này rất quan trọng trong việc tìm hiểu về nguồn gốc sự sống trên Trái đất và các hành tinh khác (ví dụ, trong các tảng băng của sao Hỏa) và có thể tìm ra sự sống ngoài Trái Đất.