Cảng Đà Nẵng: Giải quyết xung đột giao thông giữa logistics và du lịch thế nào?
Như tin đã đưa, ngày 1/1, Cảng Đà Nẵng đã tổ chức lễ đón tấn hàng đầu năm 2019 được vận chuyển trên tàu WANHAI 265 (quốc tịch SINGAPORE). Trao đổi với PV Infonet bên lề sự kiện này, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng Nguyễn Hữu Sia cho hay, sau khi dự án mở rộng giai đoạn II cảng Tiên Sa đưa vào khai thác tháng 7/2018 thì năng lực của Cảng Đà Nẵng đã tăng gấp đôi.
Xe container nối đuôi nhau vào giao nhận hàng tại cảng Tiên Sa (Ảnh: HC) |
“Hiện nay công suất hàng hóa thông qua Cảng Đà Nẵng có thể lên tới 12 triệu tấn/năm; trong đó hàng container khoảng 600.000 Teus. Theo tôi, từ nay đến năm 2024, cảng Tiên Sa vẫn còn sứ mạng là làm thông suốt dòng hàng hóa, con người và văn hóa qua cảng, đặc biệt là hàng container. Tiếp đến sẽ là cảng Liên Chiểu đảm nhận vai trò lịch sử làm đầu mối giao thông luân chuyển hàng hóa, trong đó hàng container là chủ đạo!” – Ông Nguyễn Hữu Sia nói.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Sia, đồng hành cùng ngành du lịch TP Đà Nẵng thu hút khách du lịch đường biển, thời gian qua, Cảng Đà Nẵng cũng có những nỗ lực thiết thực nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng tàu khách. Năm 2018, Cảng đã đón 109 lượt tàu du lịch với hơn 200.000 khách và thuyền viên, tăng 31% so với năm 2017 về lượt tàu và 35% về số lượng hành khách cập cảng.
“Cảng Đà Nẵng rất chú ý “mặt hàng” tàu du lịch. Trong năm qua, có thể nói chúng tôi thắng lớn về thu hút tàu du lịch biển quốc tế. Tuy các dịch vụ của Cảng Đà Nẵng chưa phải là một cảng du lịch chuyên nghiệp nhưng nhưng lượng tàu du lịch cập cảng trong năm 2018 luôn nhộn nhịp, bận rộn. Hiện Cảng Đà Nẵng đang tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ để từng bước trở thành điểm đến của mạng lưới tàu du lịch biển trên thế giới!” – Ông Nguyễn Hữu Sia nói.
“Với xu hướng sẽ chuyển dần cảng container sang cảng Liên Chiểu để dành cảng Tiên Sa làm cảng du lịch chuyên nghiệp thì Cảng Đà Nẵng đã có sự chuẩn bị như thế nào?” – PV Infonet đặt câu hỏi. Ông Nguyễn Hữu Sia cho hay, theo suy nghĩ của ông thì sau năm 2014, cảng Tiên Sa sẽ làm một phần container, còn chú trọng chủ yếu phát triển về tàu du lịch.
“Có nghĩa từ nay đến năm 2024 và cả những năm sau đó thì nguy cơ tai nạn giao thông liên quan đến hàng ngàn lượt xe container ra vào cảng Tiên Sa hàng ngày vẫn còn tiềm ẩn. Cảng Đà Nẵng đã có những biện pháp gì góp phần để trục Ngũ Hành Sơn – Ngô Quyền không còn là tuyến đường “hung thần xe container” gây ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của người dân, du khách cũng như ảnh hưởng đến môi trường du lịch của TP?” – PV Infonet hỏi tiếp.
Theo ông Nguyễn Hữu Sia, hiện Đà Nẵng đang phát triển du lịch rất tốt, với tốc độ tăng trưởng 20 – 30%/năm. Bên cạnh đó, việc phát triển để trở thành trung tâm dịch vụ logistics của miền Trung cũng là một thế mạnh “thiên thời, địa lợi” của Đà Nẵng. Vấn đề còn lại là giải quyết xung đột giao thông giữa logistics và du lịch, nhất là trên trục đường Ngũ Hành Sơn - Ngô Quyền.
“Vừa qua, về phía Cảng Đà Nẵng đã tăng lượng hàng hóa giao ca đêm lên 30% (trước đây giao ca ngày) bằng cách giảm giá khi khách hàng nhận và giao hàng vào ban đêm. Đồng thời chúng tôi đã tổ chức tập huấn cho hơn 1.000 lái xe ở bên ngoài về an toàn giao thông. Như mọi người thấy, từ khi chúng tôi thực hiện đến nay thì vấn đề an toàn giao thông trên tuyến Ngũ Hành Sơn - Ngô Quyền có chuyển biến rất tốt!” – Ông Nguyễn Hữu Sia nói.
Ông cũng bày tỏ sự vui mừng của lãnh đạo Cảng Đà Nẵng với việc lãnh đạo TP Đà Nẵng vừa quyết định đầu tư 196,7 tỉ đồng từ ngân sách TP cho dự án “Cải tạo đường Ngô Quyền và đường Ngũ Hành Sơn” (thời gian thực hiện năm 2018 – 2020) nhằm giảm thiểu nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông; giảm thời gian cấm xe sơ mi rơ móc, xe kéo rơ móc lưu thông trên trục đường Ngũ Hành Sơn – Ngô Quyền, tăng lượng hàng hóa vận chuyển qua cảng Tiên Sa và mở rộng đường gom tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại.
“Chúng tôi rất mừng và coi chủ trương này của lãnh đạo TP Đà Nẵng là sự hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp của chính quyền TP trong vấn đề phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn TP nói chung và hoạt động của cảng Tiên Sa nói riêng!” – Ông Nguyễn Hữu Sia bày tỏ.