Cận Tết, nguy cơ tai nạn pháo nổ rình rập trẻ
Cận Tết năm trước, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cũng phải tiếp nhận cấp cứu cho 2 ca chấn thương nghiêm trọng do tai nạn pháo nổ, thuốc nổ tự chế.
Cùng thời điểm đó (26/1/2022), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cũng tiếp nhận 4 học sinh (từ 12-14 tuổi) bị thương nặng sau khi tự chế pháo nổ.
Theo đó, 1 bé bị chấn thương sọ não và mắt, 1 bé bị vết thương thấu ngực, 1 bé bị vết thương thấu bụng thủng ruột, tràn khí màng phổi và 1 bé bị vết thương bụng và bàn tay.
Trong số 4 cháu thì có 2 cháu là anh em ruột, còn 2 em là hàng xóm. Nguyên nhân ban đầu được cho là các cháu tự chế pháo nổ theo hướng dẫn trên mạng, trong quá trình làm thì phát nổ dẫn đến tai nạn thương tâm.
BSCKII. Vũ Quang Nghĩa, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, pháo nổ có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho cơ thể con người như tổn thương gân, cơ, giập nát, gãy xương xương, bỏng da, điếc, chấn thương - vết thương mắt... Khí độc từ pháo nổ có thể gây tổn thương đường hô hấp.
Tai nạn do sử dụng các loại pháo và vật liệu nổ nói chung đều rất nguy hiểm, không chỉ để lại hậu quả thương tật vĩnh viễn cho chính bệnh nhân, trở thành thành gánh nặng cho gia đình, xã hội mà nặng nề hơn là ảnh hưởng đến tính mạng.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần chấp hành đúng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vật liệu nổ. Tuyệt đối không tự ý chế tạo, sử dụng pháo nổ để tránh những tai nạn đáng tiếc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.
Chỉ được sử dụng loại pháo nào?
Theo quy định hiện hành (NĐ 137/2020/NĐ- CP) nêu rõ, hiện người dân được phép mua và đốt các loại pháo hoa chỉ có âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian mà không gây tiếng nổ, hay còn gọi chung là pháo hoa “không nổ”.
Đối với loại "pháo hoa nổ" (là loại phát ra tiếng nổ) thì phải do cơ quan chức năng tổ chức sử dụng vào các dịp lễ lớn hoặc dịp Tết theo kế hoạch của Nhà nước.
Nghiêm cấm việc tổ chức, cá nhân tự ý sản xuất, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép pháo nổ và pháo hoa nổ.
Việc người dân mua các loại không nổ để sử dụng cũng phải mua ở các địa điểm, cơ sở do nhà nước quy định. Theo đó, khoản 2, Điều 17, Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Thông tin thêm với phóng viên Infonet, Luật sư Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết thêm:
“Điều 11. Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm: …
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
b) Vận chuyển hoặc tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;…
e) Bán tiền chất thuốc nổ cho tổ chức, doanh nghiệp khi tổ chức, doanh nghiệp đó chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, Giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ hoặc chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;…
i) Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép”
Căn cứ quy định được viện dẫn nêu trên, hành vi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Khoản 4 Điều 11 của Nghị định này quy định: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo.
Đối với hành vi mang trái phép pháo vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc mang vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ sẽ chịu chế tài phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Về xử lý hình sự:
Xử lý theo hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm:
Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:
“Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây… thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
c) Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;…
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;”
Xử lý theo hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm:
“Điều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây … thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
c) Pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;”
Như vậy, nếu đối tượng vi phạm với khối lượng tàng trữ, vận chuyển pháo cao hơn quy định tại khoản 1 Điều 190 BLHS được viện dẫn trên sẽ phải chịu mức chế tài nặng hơn do tính chất, mức độ nguy hiểm cao hơn cho xã hội.
Xử lý theo hành vi gây rối trật tự công cộng:
Theo Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội gây rối trật tự công cộng quy định: Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. (Đối với tội danh này, người phạm tội có thể bị phạt cao nhất đến 07 năm tù).
N. Huyền