Cần tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học
Nhận thức rõ vị trí và tầm quan trọng của văn hóa ứng xử trong nhà trường đối với cán bộ, giảng viên và sinh viên, nhiều trường đại học đã xây dựng, soạn thảo và ban hành bộ quy tắc ứng xử trong môi trường học đường, trong đó quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử, thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử.
Bộ quy tắc ứng xử được niêm yết tại các bảng tin, bảng thông báo, trang thông tin điện tử của các trường.
Bên cạnh đó, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác giáo dục văn hóa ứng xử thông qua các hoạt động giáo dục, thực hành, tình nguyện vì cộng đồng; coi trọng các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa của người học…
Ảnh minh họa |
Về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, bà Văn Quỳnh Dao – Hiệu trưởng THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, sinh hoạt chuyên đề với những câu chuyện ý nghĩa, những vở kịch hay, những vấn đề mang tính thời sự, chủ đề giáo dục truyền thống luôn là mục tiêu mà chúng tôi hướng đến. Qua những lần tổ chức, bản thân từng học sinh rút ra nhiều bài học bổ ích về đạo đức và kỹ năng sống, có ý thức rèn luyện cách ứng xử ngày càng có văn hóa hơn.
Để công tác xây dựng quy tắc ứng xử trong nhà trường thật sự có hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, cần đổi mới phương pháp dạy học các môn học như: Giáo dục công dân, Ngữ văn, Lịch sử..., theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học.
Trong đó, hết sức coi trọng phương pháp trải nghiệm, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa của người học; giáo dục kiến thức pháp luật, giáo dục công dân. Bên cạnh đó, các trường cần đa dạng hóa hình thức giáo dục văn hóa ứng xử thông qua các hoạt động tập thể, các câu lạc bộ, cuộc thi, diễn đàn, tọa đàm, đối thoại..., phát huy vai trò hướng dẫn về ứng xử văn hóa của các học sinh khóa trước, đội ngũ cán bộ lớp, chi đoàn đối với các học sinh khóa sau.
Đại diện Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho biết: Các trường xây dựng chế độ khen thưởng và kỷ luật hợp lý, công bằng sẽ động viên, kích thích được đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống.
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, việc giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên rất quan trọng nhằm tạo nền tảng về nhận thức và hành động để xây dựng môi trường văn hóa và ứng xử văn hóa trong nhà trường. Sở cũng chỉ đạo các trường tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử tùy theo từng đối tượng, cấp học. Trong đó, đối với cơ sở giáo dục mầm non, tập trung vào các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, các chuyên đề, hoạt động lễ hội để hình thành cho trẻ ý thức lễ phép, kính trọng, yêu thương thầy cô giáo, ông bà, cha mẹ...
Theo Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD và ĐT) Bùi Văn Linh, các cơ sở giáo dục cần nâng cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của ban giám hiệu, cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ trong các cơ sở giáo dục. Đây là nội dung quan trọng trong tổ chức các hoạt động văn hóa ứng xử hiệu quả trong nhà trường. Giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm cũng cần có trách nhiệm cao trong việc giúp nhà trường nắm bắt tâm lý học sinh, từ đó phối hợp gia đình, nhà trường để quản lý và định hướng hoạt động của các em.
Bên cạnh đó, Bộ GD và ĐT đã triển khai các thông tư, hướng dẫn về xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông và thường xuyên. Đây là lần đầu tiên, các quy định về văn hóa ứng xử đối với cán bộ, quản lý, nhà giáo, học sinh và nhân viên, học sinh và khách đến làm việc tại các trường học được quy định dưới dạng quy phạm pháp luật. Bộ quy tắc sẽ quy định về hành vi, trang phục, ngôn ngữ cho tất cả những người liên quan môi trường học đường, từ ban giám hiệu đến giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh.