Cận cảnh sản xuất 1000 chiếc "tai giả" giúp bác sĩ bớt đau tai khi đeo khẩu trang
Sáng kiến sản xuất “tai giả” do nhóm tình nguyện "Anti Covid-19" phối hợp cùng bác sĩ Vũ Quang Hưng, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương thực hiện. Với mong muốn làm giảm bớt nỗi vất vả, nguy hiểm và áp lực mà các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch hàng ngày phải đối mặt, những chiếc tai giả giúp các y bác sĩ giảm bớt đau tai khi phải đeo khẩu trang mỗi ngày.
Sáng 16/4 nhóm tình nguyện "Anti Covid-19" đã mang 1000 chiếc "tai giả" đến trao tặng cho Học viện Quân Y để chuyển phát cho các y tá, bác sỹ những người công tác trong ngành y tế tại các bệnh viện.
Đại tá Nguyễn Văn Hiệu – Trưởng phòng trang bị vật tư của Học viện Quân y thay mặt Học viện nhận 1000 chiếc "tai giả" đeo khẩu trang của nhóm tình nguyện "Anti Covid-19" trao tặng. |
Việc đeo "tai giả" sẽ giúp y bác sĩ không còn cảm thấy đau nhức tai do quai khẩu trang gây ra. |
Trong buổi sáng 16/4, Học viện Quân y đã phân phối 1.000 chiếc “tai giả” cho Bệnh viện 103, Bệnh viện Bỏng Quốc gia, Viện nghiên cứu Y học Quân sự và Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội. |
Được biết, ý tưởng ban đầu của sản phẩm này là từ một thiếu niên người Canada nhằm giúp cho việc đeo khẩu trang liên tục trong nhiều giờ trở nên thoải mái hơn.
Anh Phan Mạnh Hà là chủ một cơ sở sản xuất đồ da tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), cũng là nơi đang sản xuất ra những chiếc “tai giả” cho biết: “Quy trình sản xuất “tai giả” này khá đơn giản, chúng tôi mua các cuộn silicon về và cắt ra thành các khổ vừa với máy dập. Sau đó sẽ đưa chúng vào dập thủy lực, với mỗi khuôn thủy lực chúng tôi đang có, mỗi lần dập sẽ cho ra 12 cái “tai giả”. Một ngày có thể cho ra 5.000 cái, sau khi dập xong, chúng tôi sẽ vệ sinh qua cồn 90 độ. Sản phẩm cuối cùng sẽ dùng phấn rôm rải vào để cho chống dính bám bụi”.
Xưởng của anh Hà làm đồ da nên máy móc thiết bị kỹ thuật đầy đủ, việc thiết kế ra những mẫu tai giả rất dễ dàng, thuận tiện. |
Quy trình khá đơn giản nên xưởng nào có máy thủy lực thì cũng đều làm được rất nhanh chóng. |
“Khó khăn lớn nhất của tôi là về nhân công, hiện tại nhân công vẫn đang là người nhà, chị em trong gia đình hỗ trợ làm”, anh Hà chia sẻ. |
Là người trực tiếp thiết kế và sản xuất những chiếc "tai giả" này, chị Nguyễn Thị Thùy Trang (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) rất vui. Chị Trang kể: "Tôi vô tình biết đến bác sĩ Hưng công tác tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương có chia sẻ về việc các bác sĩ đang cần một sản phẩm để giúp họ không còn bị đau tai khi đeo khẩu trang quá lâu. Lúc đầu một số người cho ý kiến làm về da, nhưng do da dễ bám bẩn và lưu lại vi khuẩn nên tôi đã quyết định dùng silicon để làm nguyên liệu. Sau những phiên bản đầu tiên, chỉ trong vài ngày chỉnh sửa, chúng tôi đã có một mẫu chuẩn để sản xuất hàng loạt".
Chỉ cần với chiếc máy thủy lực,mỗi lần dập sẽ cho ra 12 cái “tai giả”, một ngày có thể cho ra 5.000 cái. |
Sau khi dập bằng máy thủy lực xong, sản phẩm sẽ được đưa ra sát khuẩn. |
Toàn bộ đều được khử trùng qua cồn 90 độ. |
Sau đó sẽ được rắc qua bột phấn rôm, giúpchống dính bám bụi. |
Đặc điểm của sản phẩm này rất nhẹ, thân thiện với da và đặc biệt dễ dàng tái sử dụng sau khi được sát khuẩn. |
Những thành viên trong gia đình khi làm "tai giả" cũng được sát khuẩn tay, đeo khẩu trang cẩn thận. |
Cách sử dụng khá đơn giản, với mỗi sản phẩm có 6 khấc nhỏ, dễ dàng điều chỉnh để vừa vặn với nhiều kích thuớc đầu. Sau khi móc dây vào một bên của "tai giả", người dùng đặt chiếc quai này sau đầu, cho khẩu trang ra phía trước mặt và cài nốt bên móc còn lại. |