Cận cảnh căn biệt thự làm Trạm phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập trước ngày bị... phá bỏ
Theo tư liệu từ cuốn "Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20" của tác giả Nguyễn Văn Uẩn, ngôi biệt thự số 128C Đại La (Hà Nội) chính là Sở Vô tuyến điện của chính quyền thực dân Pháp, là trạm phát sóng vô tuyến điện được người Pháp xây dựng vào tháng 10/1912. |
Nơi đây đã ghi dấu những mốc lịch sử đặc biệt quan trọng của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau này. Đặc biệt, đây cũng chính là trạm phát sóng phát đi bản Tuyên ngôn độc lập ra cả nước và thế giới vào trưa ngày 7/9/1945 (sau khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội đúng 5 ngày). |
Ngôi biệt thự Pháp cổ còn sót lại của Trạm vô tuyến điệnnày cũng chính là nơi phát thanh viên nữ đầu tiên của Việt Nam đọc Bản tin đặc biệt "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (vào lúc 20h ngày 19/12/1946) với những âm hưởng hùng tráng một thời:“Đồng bào chú ý. Tiếng đại bác đã nổ. Cuộc kháng chiến bắt đầu. Mời đồng bào và chiến sĩ cả nước nghe mệnh lệnh chiến đấu...” - Một khoảnh khắc đặc biệt của lịch sử dân tộc. |
Nhưng sắp tới đây, căn biệt thự này sẽ bị tháo dỡ để nhường mặt bằng phục vụ dự án xây dựng đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở. |
Căn biệt thự dù đã hơn 100 tuổi nhưng vẫn còn lưu giữ được nhiều nét đẹp của thời kỳ phát triển rực rỡ trong kiến trúc Pháp ở Việt Nam. |
Theo thời gian, căn biệt thực đã có nhiều chỗ bị hư hỏng, nhưng nét của ngôi nhà vẫn còn khá nguyên vẹn. |
Lối vào căn biệt thực có 1 cột trụ chống với những đường nét cổ xưa, khó lẫn với kiến trúc hiện đại. |
Căn nhà có 2 tầng, trong đó các lối đi, cầu thang và hành lang với những bức tường đã in dấu thời gian. |
Khuôn viên phía bên trong căn nhà vẫn còn nguyên vẹn với những đồ đạc đã có tuổi đời cả trăm năm. |
Chiếc lò sưởi được người chủ căn nhà giữ nguyên vẹn. |
Phía khuôn viên đằng sau căn nhà cũng được bảo tồn rất tốt với khung cảnh khá nên thơ. |
Các góc nhà tuy có chút hư hại theo thời gian nhưng vẫn giữ được nét Pháp trong từng đường nét kiến trúc. |
Được biết, chủ căn nhà/ biệt thự này (đang sống ở tầng 1) là Bà Khánh An (64 tuổi). Năm 1976, bà theo bố mẹ về sống trong ngôi biệt thự này từ đó cho đến ngày này. |
Theo thông tin PV Infonet có được, ban đầu ngôi nhà được phân cho 2 cán bộ của Đài Tiếng nói Việt Nam là ông Nguyễn Văn Nhất (khi đó là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam) sống ở tầng 2 và ông Lý Văn Sáu (khi đó cũng là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam, kiêm nhiệm Giám đốc Đài Truyền hình Trung ương và Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam - bố của bà Khánh An) ở tầng 1.