Căn bệnh gây tử vong, di chứng nặng nề đang vào mùa dịch
Bệnh nhi điều trị tại Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai. |
Căn bệnh gây tử vong cao
Tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai đã có lác đác các trường hợp bệnh nhi bị viêm não Nhật Bản.
Cháu Hòa Văn Ch. (15 tuổi, ở Thị trấn Đức Thọ, Hà Tĩnh) được chuyển đến Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai ngày 2/6/2016 trong tình trạng hôn mê sâu, phải thở máy, ý thức và khả năng vận động hầu như không còn.
Theo lời kể của người nhà, trước đó 5 ngày, cháu Ch. đột ngột sốt cao 39-40 độ C, dùng thuốc hạ sốt không có tác dụng. Đến ngày thứ 2, cháu có biểu hiện bại tay và chân phải. Quá hoảng hốt, bố mẹ đã đưa cháu đến BV tuyến huyện rồi bệnh viện tỉnh Nghệ An điều trị. Sau 3 ngày thấy tình trạng của cháu diễn biến nặng hơn, các bác sĩ đã chuyển cháu lên bệnh viện tuyến Trung ương.
BSCKII Nguyễn Đông Hải – Phó Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai khuyến cáo: Thời tiết khắc nghiệt mùa hè là giai đoạn cao điểm của viêm não, trong đó có viêm não Nhật Bản. Đây được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25-35%)...
Bệnh khiến cho người bệnh giảm khả năng giao tiếp, mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đây cũng là nỗi lo sợ của các bà mẹ có con nhỏ trong mùa hè.
Cách nhận biết bệnh
Bệnh thường khởi phát rất đột ngột với sốt cao 39 đến 40 độ C hoặc hơn. Bệnh nhân đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Ngay trong 1 -2 ngày đầu của bệnh đã xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn sự vận động nhãn cầu. Về tâm thần kinh có thể xuất hiện lú lẫn hoặc mất ý thức. Ở một số trẻ nhỏ tuổi, ngoài sốt cao có thể thấy đi lỏng, đau bụng, nôn.
Đến thời kỳ toàn phát, khoảng ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Thời kỳ này tương ứng với thời kỳ vi rút xâm nhập vào tế bào não tuỷ gây huỷ hoại các tế bào thần kinh. Bước sang thời kỳ khởi phát các triệu chứng không giảm mà lại tăng lên bệnh nhân đi vào hôn mê sâu dần.
Các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật cũng tăng lên như vã nhiều mồ hôi, da lúc đỏ, lúc tái, rối loạn nhịp thở và tăng tiết trong lòng khí quản. Do vậy khi nghe phổi có thể thấy nhiều ran rít, ran ngáy và cả ran nổ. Mạch thường nhanh và yếu. Thời kỳ toàn phát diễn ra ngắn bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê sâu với rối loạn các chức năng sống. Những bệnh nhân vượt qua được thời kỳ này thì tiên lượng tốt hơn.