Cấm nhân viên làm shipper, taxi công nghệ... PVOIL thua lỗ nặng năm 2020
Năm 2020, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) lỗ ròng gần 124 tỷ đồng; quý 1/2021, dòng tiền kinh doanh của PVOIL âm gần 1.500 tỷ đồng. Kinh doanh khó khăn khiến người lao động của PVOIL) phải đi làm thêm shipper, bán hàng, taxi công nghệ...
Cấm nhân viên làm tài xế shipper, taxi, bán hàng... PVOIL đang kinh doanh thế nào? |
Ngày 14/6/2021, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã ban hành văn bản gửi các đơn vị thành viên với nội dung yêu cầu tăng cường phòng chống dịch Covid-19.
Theo nội dung văn bản này, trong hệ thống PVOIL đã có người lao động đi làm thêm lái xe taxi công nghệ, vô tình chở trúng ca F0 khiến nhiều người trong đơn vị trở thành F1, F2,… phải cách ly, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh và cuộc sống của những người liên quan.
PVOIL yêu cầu người lao động không làm thêm những công việc có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 như shipper, bán hàng, taxi công nghệ, … nếu người lao động vẫn đi làm thêm những công việc trên thì PVOIL yêu cầu người lao động làm đơn xin thôi việc.
Trước yêu cầu có phần không hợp lý này, dư luận đã phản ứng khá gay gắt nên ngay sau đó, ngày 15/6, PVOIL đã ra thông báo thu hồi văn bản trên.
Sau khi ra văn bản cấm nhân viên làm tài xế shipper, taxi, bán hàng... gây bức xúc, ngay lập tức, PVOIL thu hồi văn bản này. |
Theo PVOIL, trong thời gian từ đầu năm 2020 đến nay, các hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty liên tục phải chịu những tác động hết sức nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Có những nơi, có những thời điểm, sản lượng tiêu thụ xăng dầu của PVOIL bị giảm tới hơn 40%. Mặc dù vậy, không có bất cứ người lao động nào của PVOIL bị mất việc vì lý do Covid-19.
Hoạt động kinh doanh của PVOIL ra sao?
Theo báo cáo tài chính của PVOIL, năm 2020, doanh thu thuần của PVOIL giảm 37% về hơn 50.000 tỷ đồng. Dù giảm chi phí hoạt động nhưng doanh nghiệp vẫn báo lỗ ròng gần 124 tỷ đồng, so với con số lãi gần 215 tỷ đồng của năm 2019. Thiệt hại nặng nề nhất là trong quý 1/2020 khi lỗ ròng tới 538 tỷ đồng.
Trong khi đó, PVOIL đặt mục tiêu doanh thu trong năm đạt 52.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 376 tỷ đồng.
Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2021 của PVOIL vừa công bố cho thấy, doanh thu thuần của PVOIL đạt 11.768 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước (17.685 tỷ đồng). Sau khi trừ các chi phí, PVOIL báo lãi sau thuế đạt gần 191 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 537,7 tỷ) - trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 141,5 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 423 tỷ đồng).
Dù lợi nhuận cải thiện, nhưng trong quý 1/2021, dòng tiền kinh doanh âm 1.492 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái con số này chỉ âm gần 66 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do giá trị hàng tồn kho tăng từ 1.827,5 tỷ đồng lên 2.348,6 tỷ đồng và các khoản phải thu ngắn hạn tăng từ 4.096 tỷ đồng lên 7.071 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/3/2021, tổng tài sản tăng từ 22.075 tỷ lên 23.671 tỷ đồng và công ty vẫn còn lỗ lũy kế hơn 762 tỷ đồng thời điểm cuối quý 1/2021.
Theo giải trình của PVOIL, lợi nhuận công ty mẹ đạt hơn 191 tỷ đồng là do ảnh hưởng của biến động xăng dầu thế giới, cụ thể giá dầu Brent bình quân quý 1/2021 là 61,5 USD/tháng tăng 51% tương đương 20,9 USD/thùng so với cùng kỳ là 40,6 USD/thùng, do đó cũng làm lợi nhuận trên BCTC hợp nhất tăng.
Tại đại hội đồng cổ đông thương niên 2021, PVOIL đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 55.750 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện trong năm 2020; lợi nhuận sau thuế đạt 320 tỷ đồng (năm trước lỗ 166 tỷ đồng).
Như vậy với kế hoạch này kết thúc quý 1, PVOIL đã hoàn thành được 21% mục tiêu về doanh thu và gần 60% mục tiêu về lợi nhuận.
Dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp khiến nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, làm giảm nhu cầu đi lại, giảm hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa cũng như ảnh hưởng đến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh khác, qua đó làm giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm xăng dầu khiến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu, trong đó có PVOIL đang khó khăn hơn.
Hiền Anh
Bán dầu pha lẫn nước lã cho khách, Petrolimex đình chỉ cửa hàng trưởng
Sau khi phát hiện cửa hàng xăng dầu Petrolimex bán dầu điêzen lẫn nước lã cho khách, Petrolimex lên tiếng khẳng định do việc "sửa chữa công nghệ chưa tuân thủ đúng quy trình", quá trình thi công gặp mưa lớn, nước mưa tràn vào bể chứa dầu điêzen.