"Cấm cỗ cưới không quá 300 người là quá cứng nhắc"
Theo TS Hồng, từ xưa đến nay, chuyện cưới xin rất quan trọng, là bước ngoặt trong cuộc đời mỗi con người bởi nó là dấu hiệu của sự trưởng thành, là bước ngoặt của nhận thức, cho thấy khát vọng của con người vươn tới hạnh phúc.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người cho rằng đám cưới chỉ một lần trong đời , người ta làm được sao mình không làm được. "Tâm lý đua cho bằng chị bằng em từ đó nảy sinh. Nhiều gia đình không có nhiều tiền đành phải vay mượn và hệ lụy sau đám cưới là một gánh nợ. Điều này không phải là điều hay", TS Hồng bày tỏ.
Cấm đám cưới không quá 300 người là quy định cứng nhắc |
Bà Hồng cũng cho rằng, nếu nói việc cưới bây giờ không còn tính chất linh thiêng nữa thì không phải nhưng có thể nói chỉ còn bằng một nửa so với ngày xưa. Các lễ tục được tuân thủ một cách chu đáo, kín kẽ nhưng đám cưới lại mời làng trên họ dưới, căng rạp ăn uống linh đình… vừa tốn kém vừa nhiêu khê.
Đáng buồn hơn nữa, nhiều đám cưới kệch cỡm của các đại gia không vì hạnh phúc của đôi trẻ mà dường như là cơ hội để cho các bậc làm cha, mẹ, người lớn có cơ hội để thực hiện các mục đích vụ lợi khác nhau. Vì thế mới sinh ra "văn hóa phong bì". Phong bì không phải để mừng cho đôi trẻ mà để tạ ơn, tạ nghĩa hay để đặt cơ sở quan hệ.
Những hình ảnh đám cưới ngày nay được đặt ở nhà hàng, khách đến bắt tay, chào một cái, thực hiện nghi lễ của các công dân đi bầu cử tức là “bỏ phiếu”, sau đó được ghép vào ngồi cho đủ mâm, và ăn mà không biết nói chuyện gì… giống như mua một thực đơn giá cao, ăn cho hết bữa rồi ra về đã không còn là "chuyện lạ"."Yếu tố tinh thần, văn nghệ, chào mừng, chúc tụng và ý nghĩa đích thực của đám cưới là dịp gặp gỡ chia vui không còn nữa", bà Hồng ngậm ngùi.
Cũng theo bà Hồng, cũng vì quá câu nệ vào ý nghĩa đó của đám cưới nên có những tiệc cưới tổ chức sang trọng, linh đình, mâm cỗ ê hề, xe rước dâu là xe sang... "Thế nhưng chưa chắc yếu tố vật chất đó có thể quyết định đem đến một giá trị tinh thần. Nhiều gia đình cưới xong là bước ngay đến bờ vực ly hôn", bà Hồng giãi bày.
Bà Hồng cũng tiếc nuối nhất là đám cưới ngày nay thường thấy thấy thiếu một tầng lớp rất quan trọng là người già. Hình ảnh các cụ già móm mém ngồi têm trầu cánh phượng, rỉ rả trò chuyện bên đám con trẻ vô hình trung chính là sự kết nối giữa 3 thế hệ và cũng là chặng đường từ quá khứ - hiện tại - tương lai. Trong khi đó, đám cưới ngày nay đa số chỉ là người trẻ, đã đặt ra câu hỏi, phải chăng dòng chảy về văn hóa gia đình đang bị đứt quãng?
Đám cưới với dàn siêu xe, siêu sao được chú ý thời gian gần đây |
Chính từ những nguyên do trên đã đặt ra vấn đề cần tổ chức đám cưới theo nếp sống mới, tiết kiệm nhưng phù hợp với cuộc sống công nghiệp hiện nay. Đám cưới phải vui vẻ, đầm ấm và không phụ thuộc vào không gian hẹp – rộng, mâm cỗ đầy – vơi, ít người – nhiều người, phong bì nặng – nhẹ mà đến với nhau trước hết là vì tấm lòng.
Tuy nhiên, bà Hồng cho rằng, mới đây, Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cấm cỗ cưới không quá 300 người, không được tổ chức ở khách sạn 5 sao là những quy định hết sức cứng nhắc.
Bà Hồng cũng bổ sung, trước đây Hà Nội cũng đã có quy định cán bộ, đảng viên gương mẫu không tổ chức cỗ cưới mặn mà dùng tiệc trà, tiệc ngọt… Tuy nhiên, chỉ một thời ngắn, những quy định này đã không còn phù hợp bởi họ thấy lạc lõng, úi xùi. Nhất là trong diều kiện mỗi gia đình chỉ có 1,2 con hiện nay. Nhu cầu tổ chức đám cưới đang hoàng một chút là điều hoàn toàn thực tế.
Để đám cưới sự là một dịp vui và thể hiện nếp sống văn minh lịch sự thì tôi nghĩ không nên đặt ra một quy định bắt buộc. Bởi mọi quy định cứng đều trở nên khiên cưỡng khi nó đi vào vận hành trong cuộc sống
Theo TS Hồng, quy định còn tùy thuộc vào từng mối quan hệ rộng, hẹp của mỗi người; phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như vào văn hóa công sở nơi gia chủ tổ chức đám cưới, văn hóa gia đình; tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể, môi trường, vị trí công tác…
"Nhưng tôi nghĩ thực hiện cưới theo nghi lễ đời sống mới phải được thực hiện từ nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên. Từ nhận thức đó, họ sẽ nhận biết được thế nào là đủ, cái nào nên, cái nào không nên để tránh độ hoang phí, khoa trương vô độ nhưng cũng đừng để đến mức phải hy sinh", bà Hồng bày tỏ.
Theo bà, cấm không có nghĩa là áp dụng một luật định mang tính hà khắc mà trước hết phải bắt đầu từ nhận thức của mỗi người, sau đó vận dụng các quy định mềm bởi còn phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh, tính chất công việc, mối quan hệ xã hội của mỗi người.