Cái Tết của người anh 70 tuổi nuôi em gái thần trí không ổn định ở Phú Thọ
Bữa cơm sáng 30 Tết có cơm trắng với trứng gà luộc, ông Sỹ từ từ bón cho em ăn. Nhìn cảnh ông lão bón cơm cho em gái nhiều người rớt nước mắt.
Sáng 29 Tết, trong căn nhà cấp bốn nhỏ bé tại khu 9 xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, Phú Thọ, ông Bùi Văn Sỹ (70 tuổi), đang bón cơm cho em gái của mình tên Bùi Thị Long khoảng 60 tuổi, bà bị thần kinh không ổn định, người co quắp.
Ông Bùi Văn Sỹ (70 tuổi), đang bón cơm cho em gái của mình tên Bùi Thị Long bị bệnh thần kinh không ổn định. |
Bữa cơm ngày Tết có bát cơm trắng với quả trứng gà luộc. “Thấy em bị bệnh ốm, tôi rất đau lòng, chính vì thế tôi đưa em về đây chăm sóc những ngày tháng cuối đời”, ông Sỹ dưng dưng nước mắt nói.
Cái đói, cái nghèo quanh năm cũng khiến ông Sỹ quen dần và chấp nhận. Với sức khỏe của một ông lão nghèo ở tuổi 70, ông Sỹ thi thoảng vẫn đi nhặt ve chai kiếm vài đồng và sống nhờ sự giúp đỡ của bà con quanh xã.
Ngày Tết, tuy nhiên gia đình ông Sỹ cũng không mua sắm bất cứ một thứ gì, ông kể mấy hôm trước được chính quyền địa phương và một số bà con trong và ngoài xã đến động viên thăm hỏi có mua cho ít bánh kẹo, ông dùng số bánh kẹo đó thắp hương gia tiên.
“Bánh kẹo ở nhà đây là do chính quyền và một số nhà hảo tâm mua cho, khi họ đến có đưa cho một số tiền nhỏ, tôi cũng không dám mua gì để đó để sang năm mua thuốc cho em và mua đồ ăn thức uống”, ông Sỹ kể.
Lấy ba chiếc bánh chưng để trong căn bếp, ông Sỹ mãn nguyện, ngày Tết có chiếc bánh chưng là đã thấy có cái tết rồi.
“Hôm trước tôi được cho ba chiếc bánh chưng và vài cân thịt để Tết nấu thắp hương xong cắt ra hai anh em cùng ăn”, ông Sỹ nói.
Bữa ăn đơn giản ngày Tết của hai anh em |
Trước đây bà Long cũng có một gia đình, ở cùng xã. Tuy nhiên đến năm 2014 bà bị ốm, không ai quan tâm chăm sóc nên ông Sỹ đã phải đưa người em gái mình về nuôi.
Công việc của ông Sỹ hằng ngày là dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm rồi bón cho em ăn, với ông việc tắm rửa cho em mình là khó khăn nhất.
“Tôi chỉ mong em không phải nhịn đói bữa nào là tôi thấy hạnh phúc lắm rồi. Mùa lạnh thế này việc vệ sinh tắm rửa cho em cũng rất khó khăn, nên một tuần tôi chỉ tắm rửa cho em 3 lần, mỗi lần như vậy mất tầm khoảng gần 1 tiếng, vì việc cởi và mặc quần áo mất rất nhiều thời gian”, ông Sỹ tâm sự.
Hằng ngày ông Sỹ vẫn một mình chăm lo cuộc sống cho em gái. |
Cuộc sống khó khăn vất vả, tuy nhiên lúc nào ông cũng mong có một phép màu, cho em gái bình phục, đi lại được.
“Tuổi của tôi cũng gần đất xa trời, nhưng tôi vẫn mong em mình bình phục, lúc đó nếu có chết tôi cũng nhắm mắt yên lòng. Tôi lo một ngày nào đó nếu tôi chết đi, khi ấy em gái mình không biết sống ra sao, cuộc sống không biết trước thế nào, cầu mong ông trời thương anh em chúng tôi”, ông Sỹ nói.
Một ngày ba bữa, dù vất vả tuy nhiên ông Sỹ không bao giờ để cho em mình phải đói. |
Một phép màu mà ông ước khó trở thành hiện thực khi thuốc thang chữa bệnh không có, không được đi khám chữa ổn định, bữa ăn qua ngày cũng đạm bạc, tuy nhiên ông Sỹ vẫn luôn đau đáu trong lòng mong muốn đó.
Căn nhà nhỏ bé của hai anh em ông Sỹ năm nay có thêm cây đào của một người cháu mua tặng. |
Ông Sỹ kể, khi ngôi nhà cũ bị sập đổ sau cơn bão năm 2020, nhà ông được chính quyền địa phương làm cho ngôi nhà nhỏ để hai anh em sinh sống.
Anh em ông Sỹ được những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ để cuộc sống hàng ngày bớt khó khăn |
“Trong nhà tôi hiện giờ không có gì là tài sản tôi mua cả, tất cả đồ đạc đều được nhà hảo tâm giúp đỡ, tôi rất biết ơn cuộc đời, nếu không có những nhà hảo tâm thì tôi cũng không biết sống sao với hơn 700 nghìn tiền trợ cấp người ốm của em gái”, ông Sỹ cho hay.
"Có bánh chưng là có Tết", đó là cái Tết đối với ông Sỹ. |
Căn bếp đơn sơ nhà ông Sỹ. |
Năm nay ông Sỹ mới được một mạnh thường quân tặng chiếc tủ lạnh cũ, ông dùng để cất mấy kg thịt được cho ăn Tết, khi hết Tết ông sẽ rút điện ra cho đỡ tốn |
Ở cái tuổi đáng lẽ được con cháu chăm sóc, nhưng hai anh em ông lại lủi thủi trong căn nhà đơn sơ, anh em nương tựa nhau sống qua ngày. Không biết cuộc sống của anh em ông Sỹ sẽ khó khăn đến đâu, khi ông ngày một yếu đi, còn bệnh của bà Long ngày càng nặng.
Thêm một cái Tết qua đi, ông lại càng lo sợ tuổi già, ông yếu hơn, không đủ sức chăm sóc em gái. Ông chỉ mong nếu ông không còn nữa, sẽ có người thay thế mình, chăm lo cho người em bệnh tật.
Bảo Khánh