Cách xử trí hạ thân nhiệt đột ngột
Tình trạng hạ thân nhiệt đột ngột thường xuyên xảy ra với nhiều người vào mùa đông, nhất là khi nhiệt độ liên tục giảm như những ngày gần đây.
Ngoài ra, hạ thân nhiệt còn có thể xảy ra khi mặc quần áo ẩm ướt, không giữ đủ ấm cho cơ thể trong mùa lạnh, tắm ở nơi không kín gió... Những người lao động ngoài trời, người già, trẻ em, người gầy yếu, trẻ sơ sinh đều là những đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm lạnh khi tiếp xúc với môi trường nhiệt độ thấp.
Thế nào là hạ thân nhiệt?
Hạ thân nhiệt là khi đo nhiệt độ ở hậu môn thấp hơn 35 độ C; từ 35 - 34 độ C là hạ thân nhiệt nhẹ; 34 - 32 độ C là hạ thân nhiệt trung bình; 32 - 25 độ C là hạ thân nhiệt nặng; dưới 25 độ C là hạ thân nhiệt nguy kịch.
Người bị hạ thân nhiệt đột ngột có biểu hiện run lẩy bẩy, nói lắp bắp, nhịp thở chậm bất thường, da lạnh, có màu tái xám... Những triệu chứng trên thường xuất hiện cùng thời điểm hoặc xuất hiện dần dần.
Cách xử trí khi bị hạ thân nhiệt
Người bị hạ thân nhiệt thường bị mất dần ý thức và năng lực thể chất, do đó không ý thức được sự cần thiết phải điều trị cấp cứu. Khi phát hiện người bị hạ thân nhiệt đột ngột có thể thực hiện một số phương pháp sơ cứu kịp thời.
Đầu tiên cần chuyển người bệnh vào những nơi ấm áp như trong nhà, bếp, phòng ngủ,... chú ý bảo vệ người bệnh khỏi bị gió, che kín đầu bệnh nhân và cách ly cơ thể bệnh nhân khỏi đất lạnh.
Cởi bỏ quần áo ẩm ướt và thay bằng đồ khô, ấm. Có thể cho người bị hạ thân nhiệt uống nước gừng nóng từng ít một để làm ấm cơ thể từ phía trong. Dùng gạc ấm đặt lên cổ, lồng ngực và háng của bệnh nhân để làm ấm cho cơ thể.
Tuy nhiên, khi sơ cứu cần chú ý: Không nên chườm nóng trực tiếp. Không dùng nước nóng, đệm sưởi hoặc đèn sưởi để làm ấm nạn nhân. Không cố làm ấm tay và chân. Vì làm nóng tay và chân gấp gáp sẽ thúc đẩy máu lạnh trở về tim, phổi và não, gây hạ thân nhiệt trung tâm và có thể gây tử vong.
Chú ý, chỉ cho người bệnh uống nước ấm không có cồn, tuyệt đối không cho người bệnh uống rượu.
Không xoa bóp hoặc chà xát người bệnh. Các động tác đối với người bị hạ thân nhiệt, cảm lạnh phải thực hiện nhẹ nhàng vì khi xoa bóp mạnh máu thúc đẩy lưu thông gấp cũng làm bệnh nhân có nguy cơ ngừng tim.
Trong khi chờ người giúp đỡ, cần theo dõi hơi thở của người bệnh. Nếu hơi thở ngừng hay có vẻ chậm hoặc nông thì cần phải thực hiện biện pháp hà hơi thổi ngạt.
Để phòng hạ thân nhiệt hiệu quả nhất cần mặc đủ ấm cho cơ thể khi ra ngoài, tránh ngồi, ở quá lâu ngoài trời lạnh. Hạn chế ra ngoài trời lạnh. Khi tắm chú ý tắm ở nơi kín gió, không nên tắm bằng nước lạnh.
Nguồn SKĐS