Cách viết thư UPU: Người anh hùng trong em là ông nội
Viết thư UPU người hùng trong em là ông nội |
Thời gian nộp bài dự thi từ 12/10/2018 đến 15/2/2019. Bài dự thi không dài quá 1.000 từ, viết tay trên một mặt giấy, rồi gửi về Báo Thiếu niên Tiền phong, số 5 Hòa Mã, Hà Nội.
Chủ đề Cuộc thi lần thứ 48 là một chủ đề mở, khơi gợi nhiều tư duy sáng tạo, nhiều suy nghĩ và cảm xúc đối với mỗi thí sinh. Trong mỗi con người, mỗi một bạn trẻ đều có sự hiện hữu, tình cảm yêu quý và ngưỡng mộ đối với một người hùng của riêng mình. Đó có thể là người anh hùng, thần tượng nhưng cũng có thể là những người rất đỗi bình thường hàng ngày bên cạnh các em (ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, người thân) nhưng là người mà em ngưỡng mộ nhất, người truyền cảm hứng tích cực cho các em.
Hải Phòng 1/2/2019
Chào bạn Mai !
Hôm nay mình sẽ viết thư kể cho các bạn nghe về người hùng trong lòng mình. Đó chính là ông nội mình, người ông có tình yêu thương bao la vô bờ bến. Ông là người đã sinh ra mình lần thứ 2 và là người bạn tri kỷ của mình.
Mình không may mắn, bố mẹ mình đều là người câm điếc bẩm sinh. Bố mình bị câm điếc bẩm sinh vì khi đi bộ đội ông bị sốt rét và đó có thể là di chứng của bệnh/
Mình sinh ra đã được ông đón từ bác sĩ và ông là người cha thứ hai của mình. Nghe bà kể lúc đó bà tay yếu nên ông sợ bà không chăm được mình nên ông chăm sóc mình toàn bộ từ ăn cho đến vệ sinh.
Có lẽ, những người xung quanh không kể mình không biết rằng ông đã là người chăm sóc mình suốt 2 năm đầu đời ở viện. Mình bị bệnh ung thư từ khi mới 7 tháng tuổi. Lúc mình bị bệnh thì khối u đã rất to choáng hết cả ổ bụng, di chứng khiến người mình như da bọc xương. Ông đưa mình lên Bệnh viện Nhi trung ương khám, bệnh viện Việt Đức khám đi đâu người ta cũng nói khối u to không mổ được.
Ông đưa mình xuống bệnh viện K trung ương và vẫn là câu trả lời đó. Ông đã bế mình về nhà. Bà nói đó là những đêm ông thức trắng, ông khóc nhưng cố dấu để bà không biết. Ông cứ ôm mình nằm ngủ như thể ông sợ mất mình. 1 tuần, ông chỉ ôm mình rồi khi mình ngủ ông lại khóc.
Hàng xóm đến hỏi thăm bệnh của mình, ông cực đoan không cho ai đến gần vì ông sợ họ thương xót mình nên ông cho rằng cần bỏ những từ thương sót đó. Ông kiên quyết đưa mình lên Hà Nội một lần nữa. Ông được bác sĩ tư vấn và đưa mình vào điều trị. Sau khi truyền hóa chất, khối u nhỏ hơn và mình được phẫu thuật. Ông kể mình phải trải qua hai ca phẫu thuật.
Sau đó, ông lại cùng mình đi viện 2 năm liền cho đến khi bác sĩ thông báo không còn tế bào ung thư ông mới thở phào.
Lúc đưa mình từ viện về lần 1, ai cũng bảo mình sẽ chết và bà cũng nghĩ thế. Ông bế mình đi viện lần nữa, bà còn kéo áo bảo ông không nên chống lại số phận, mọi thứ đã an bài. Với bản tính người lính, ông không cho mình đầu hàng có lẽ vì thế mình đã trưởng thành của ngày hôm này.
Khi mình bước vào lớp 1, ông là người dạy mình từng con chữ. Ông luôn dặn dò mình cẩn thận vì nét chữ, nét người. Mình lớn hơn, ông hỏi mình thích học võ hay học gì không. Có lẽ, ông khao khát điều gì đó ở mình nên mình thầm nghĩ sẽ làm ông vui. Mình đi học võ, học múa và đàn piano. Mọi thứ tốt nhất ở thành phố nhỏ quê mình ông đều cho mình học hết. Mình luôn tự hào và thầm cảm ơn ông.
Đến nay, dù mình đã 14 tuổi nhưng ông vẫn luôn yêu thương và luôn hướng mình tới một người có ích cho xã hội. Dù đã 73 tuổi nhưng 6 tháng một lần ông đều là người trực tiếp đưa mình lên Hà Nội để tái khám. Những lúc đi khám bệnh, hai ông cháu lại rong ruổi khắp thủ đô. Ông như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ khi giới thiệu cho mình hết các danh lam ở thủ đô kèm theo kiến thức về những danh lam đó.
Bà nội nói mình lớn còn bám ông như sam. Mình chỉ cười vì quen hơi ông. Có lẽ những năm tháng bệnh tật ông luôn bên mình mà đến giờ mình không thể xa ông được. Với mình, cuộc đời thật tuyệt vời khi có ông. Mình luôn tự nhủ sẽ cố gắng học thật tốt, chăm ngoan để ông có thể tự hào về mình.
Chào bạn nhé!
Hoàng Thanh Trúc