Cách tự chữa say nắng hiệu quả
Say nắng có thể dẫn đến tử vong. Ảnh minh họa. |
Khi nhiệt độ tăng cao quá mức, tế bào không thể chịu đựng được sẽ dẫn tới thoái hoá protein. Cơ thể có thể bị tổn thương trong thời gian từ 45 phút tới 8 giờ sau khi thân nhiệt bị duy trì mức 42 độ C. Hầu như tất cả các tế bào đều tự bảo vệ bằng cách sinh ra protein bảo vệ nhiệt nhằm kéo dài sự tồn tại. Sự tăng loại protein này còn xuất hiện cả trong thiếu máu, thiếu oxy, nội độc tố, cytoxin viêm.
Theo Lương y Vũ Quốc Trung, trong đông y say nắng thường được gọi là trúng thử, bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong. Tình trạng say nắng là do cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi và khoáng chất, đặc biệt là kali, dẫn đến tình trạng mất sức, ô xy trong máu giảm, kho thở, chóng mặt, hoa mắt.
Biểu hiện say nắng là người phát sốt, mặt trắng nhợt, da nóng bỏng hoặc ẩm lạnh, mạch đập nhanh, bồn chồn không yên hoặc đờ đẫn, chân tay bải hoải. Trường hợp nặng có thể đột ngột ngã lăn ra, mê man bất tỉnh, hàm răng nghiến chặt, nếu không xử trí kịp thời có thể để lại các di chứng.
Bác sĩ Trung cho biết đối với người bị say nắng khi có các dấu hiệu trên cần được sơ cứu nhanh chóng như đưa người bị say nắng vào nơi thoáng mát, có bóng râm, cởi bỏ bớt quần áo và phun hoặc lau nước mát khắp người, đỡ nạn nhân nằm nghiêng để bề mặt da hứng được càng nhiều gió càng tốt. Hạ nhanh thân nhiệt, sơ cứu kịp thời bằng các loại đồ uống như nước rau má, nước bột sắn, quả mướp đắng (khổ qua) dưa chuột, nước bí đao để hạ nhiệt và bồi bổ dưỡng chất dù cho cơ thể.
Nước sắn dây uống trực tiếp không nấu chín. Bác sĩ Trung cho biết tuyệt đối không được uống sữa khi say nắng vì uống sữa lúc say nắng có thể tạo đờm gây khó thở cho nạn nhân. Khi nạn nhân bị nặng quá như ngất xỉu, đột quỵ cần đưa vào bệnh viện để được truyền bù chất điện giải.
Để phòng chống say nắng tốt nhất nên uống nhiều nước, ăn các loại thức ăn mát, các loại rau củ quả chứa nhiều kali như rau má, cà chua, rau đay, mồng tơi... mặc quần áo rộng, thoáng mát, thoát mồ hôi. Không nên ở lâu, làm việc quá sức trong môi trường quá nóng, nắng.
Nếu bắt buộc phải ra ngoài trong thời tiết nắng nóng nên tránh khung giờ từ 11h trưa đến 14 giờ chiều vì lúc này nóng nắng lên đến đỉnh điểm, cần có các phương tiện bảo vệ. Trùm áo, trùm mũ, mặc quần áo bằng sợi cotton dễ thấm mồ hôi, ít sử dụng quần áo có nhiều nilon. Tốt nhất, trẻ em, người lớn tuổi, người bệnh lâu ngày hoặc người uống rượu, bia không nên phơi nắng quá lâu.