Cách tính ngày rụng trứng chuẩn nhất để thụ thai hoặc tránh thai
Trong mỗi chu kỳ hàng tháng, các cặp đôi có sức khỏe sinh sản bình thường trong độ tuổi từ 20 đến 30 có 20% cơ hội thụ thai. Tỷ lệ này là khá cao nếu xét trên một thực tế là bạn chỉ có thể đậu thai quanh thời gian rụng trứng (khoảng thời gian chỉ kéo dài từ 12 đến 24 giờ). Đó là thời điểm trứng sẵn sàng cho việc thụ tinh.
Một tinh trùng có thể sống từ 3 đến 6 ngày, nên ngay cả trước khi trứng được phóng, chúng đã ở sẵn trong cơ thể người phụ nữ, sẵn sàng gặp gỡ “cô nàng trứng” để chuẩn bị cho sự ra đời của một thiên thần.
Bước 1: Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt
- Bạn hãy chuẩn bị một cuốn lịch tay hoặc đơn giản hơn là 1 phần mềm lịch trên điện thoại. Khoanh tròn ngày bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt (gọi là ngày đầu tiên của chu kỳ) và ghi chú số ngày có kinh của mỗi kỳ.
Cách tính ngày rụng trứng bắt đầu bằng việc chuẩn bị một cuốn lịch để sẵn sàng theo dõi. Khoanh tròn vào ngày bắt đầu mỗi chu kỳ. |
- Theo dõi ít nhất 3 kỳ kinh liên tục như vậy, đếm số ngày từ ngày bắt đầu của chu kỳ trước đến ngày bắt đầu của chu kỳ sau xem chính xác là bao nhiêu ngày. Thông thường, một chu kỳ kinh nguyệt của chị em sẽ kéo dài khoảng 28 ngày. Tuy nhiên, có nhiều người, con số này lên đến 30, 35 ngày và cũng có thể ngắn hơn, chỉ 25 ngày…
Bước 2: Lưu giữ số ngày của mỗi chu kỳ
- Ghi lại số ngày của mỗi chu kỳ kinh nguyệt đã theo dõi được.
- Liệt kê thành 2 cột: Một cột là tên tháng, một cột là số ngày của chu kỳ. Hãy theo dõi liên tục ít nhất là 3 tháng hoặc có thể là 6-8 tháng. Dưới đây là bảng ví dụ theo dõi 8 kỳ kinh liên tục.
Lập bảng theo dõi chu kỳ kinh nguyệt |
Để có ngày giờ rụng hoàn toàn chính xác là điều rất khó trừ khi bạn dùng các phương pháp như siêu âm kiểm tra. Tuy nhiên với cách tính ngày rụng trứng theo chu kỳ kinh nguyệt, bạn có thể khoanh vùng thời gian "nhạy cảm" dễ thụ thai nhất trong mỗi chu kỳ cho mình.
Cách tính thời gian dễ thụ thai nhất được tính như sau:
- Chọn chu kỳ ngắn ngày nhất trên bảng theo dõi, tạm gọi là A. Lấy A - 18 = A1. A1 được gọi là ngày đầu tiên của thời gian nhạy cảm này. Ví dụ theo bảng tính trên sẽ là: 28 - 18 = 10 (A1).
- Chọn chu kỳ dài ngày nhất trên bảng theo dõi, tạm gọi là B. Lấy B - 11 = B1. B1 được gọi là ngày cuối cùng của thời gian nhạy cảm này. Ví dụ theo bảng tính trên sẽ là: 31 - 11 = 20 (B1)
- Khoảng thời gian từ A1 đến B1 là khoảng thời gian bạn có khả năng thụ thai cao. Như ví dụ trên thì bạn hãy gần gũi chồng trong khoảng từ ngày thứ 10-20 của mỗi chu kỳ để tăng cơ hội đậu thai cho bản thân nhé!