Cách nào giúp trẻ bị xâm hại vượt qua sang chấn tâm lý
Trẻ em là đối tượng dễ bị bạo lực xâm hại, là đối tượng yếu thế do sức khỏe, khả năng tự bảo vệ bản thân còn hạn chế. Khi bị tội phạm xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị tổn thương cao hơn. Tuy nhiên, tình trạng trẻ bị xâm hại đang gia tăng trong thời gian gần đây.
Thống kê của Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho thấy, chỉ trong ba tháng đầu năm, cả nước đã có 147 trẻ bị xâm hại, tăng 30 em so quý I/2021, trong đó có các trường hợp bị bạo lực, xâm hại tình dục, bị bắt cóc, mất tích hoặc bị bỏ rơi....
Một báo cáo khác của Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng đưa ra con số báo động. Theo đó, đường dây nóng 111 đã tiếp nhận hơn 202.000 cuộc gọi, tư vấn khoảng 10.600 ca (tăng hơn 45% so cùng kỳ năm 2021).
Chỉ tính riêng trong năm 2022, Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cũng nhận được phân công từ Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam trợ giúp pháp lý miễn phí bảo vệ 3 vụ án hình sự có nạn nhân là trẻ em.
Trao đổi với phóng viên Infonet, Thạc sỹ, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, đặc điểm tâm lý của trẻ em bị xâm hại: Trẻ em bị xâm hại là nạn nhân của các hành vi bạo lực, lạm dụng tình dục hoặc đe dọa tâm lý làm tổn thương về thể xác và tinh thần, trí tuệ.
Qua quá trình tham gia hỗ trợ pháp lý cho các em bị xâm hại, Luật sư Bích Hảo nhận thấy, hầu hết trẻ bị tổn thương về thể xác, đau đớn về cơ thể, hành vi xâm hại làm cho cơ thể hoặc một bộ phận của cơ thể hoạt động không bình thường.
Sự tổn hại đó được thể hiện ra bên ngoài như: Vết bầm tím, vết xây xước, vết hằn, sẹo… mắt thường có thể nhận biết được. Tuy nhiên trẻ bị tổn thương về mặt tinh thần mới thực sự xót xa.
“Theo đó, trẻ bị chấn động mạnh về mặt tinh thần thể hiện ra bên ngoài bằng những hành vi: hoảng sợ, lo lắng căng thẳng, trầm uất, luôn bị ám ảnh về các hành vi đã gây ra tổn thương cho các em.
Các em lo lắng, sợ hãi khi nhớ lại sự việc hoặc gặp lại, nhìn thấy người lạ có hình dáng, đặc điểm, thái độ, động tác như kẻ đã gây ra sự việc đối với các em; sợ tiếp xúc với cha mẹ, người lạ, thường xuyên có những ác mộng khi ngủ….”, luật sư Bích Hảo nêu.
Đáng lưu ý, trong nhóm tội phạm xâm phạm danh dự, nhân phẩm con người, các tội danh liên quan đến xâm phạm tình dục, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em là hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm, sinh lý của người bị hại.
Theo đó, những trẻ bị xâm hại tình dục thường có cảm giác xấu hổ và tội lỗi, trẻ tự đổ lỗi cho bản thân mình về những gì đã xảy ra với trẻ và có cảm giác xấu hổ vì mình là nạn nhân.
Từ tâm lý xấu hổ, mặc cảm tội lỗi này sẽ ngăn cản việc trẻ khai báo, trình bày lại sự việc với luật sư cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật.
“Trẻ bị xâm hại tình dục cũng sẽ rơi vào trạng thái tự ti và nhút nhát không tin tưởng vào bản thân, người khác và môi trường xung quanh. Trẻ mất khả năng chia sẻ cảm xúc và vật chất của mình với người khác, do đó, sẽ thiếu sự hợp tác trong quá trình làm việc với luật sư cũng như cơ quan bảo vệ pháp luật.
Với đặc điểm tâm lý này, trẻ thường có độ lì cao độ, không nói và không trả lời, không nghe. Trạng thái này không thuộc dạng chống đối bất hợp tác mà quá tự ti dẫn đến không thể hợp tác được”, luật sư Bích Hảo thông tin.
Không chỉ rơi vào tâm trạng tự ti, nhiều trẻ là nạn nhân bị xâm hại tình dục còn thể hiện nhiều hành vi tự hủy hoại bản thân khác nhau như tự gây ra tai nạn cho mình, cố tình để bị đau ốm, đến việc có hành vi cố gắng tự sát…
“Đây là cách để trẻ thoát khỏi cảm nhận không tốt về bản thân. Dạng tâm lý này còn được gọi là tâm lý của dạng tự kỷ, trầm cảm, nên thường có những hành vi hành hạ bản thân mới thấy mình đỡ xấu hổ, tủi nhục”, luật sư Bích Hảo thông tin.
Từ những biến cố mà trẻ đã trải qua, những em bé đáng thương này sẽ coi các đối tượng xung quanh gắn liền với mối đe dọa, sự sợ hãi, với nguy cơ sẽ bị đối xử tồi tệ dưới hình thức này hay hình thức khác.
Một trong những biểu hiện lớn nhất của rối loạn tinh thần ở trẻ bị xâm phạm tình dục là sự khó khăn trong giao tiếp với mọi người xung quanh, kể cả người lớn và bạn bè cùng trang lứa.
“Trẻ có thể có biểu hiện rối loạn hành vi. Mức độ bị xâm hại tình dục có ảnh hưởng lớn đến tâm lý của các em và những biểu hiện rối loạn hành vi mỗi em cũng khác nhau”, luật sư Bích Hảo nhấn mạnh.
Trước thực trạng này, luật sư Bích Hảo cho rằng, đối với các trẻ em cần có sự phối hợp của chuyên gia tâm lý để động viên và định hướng cho các em về cách ứng xử đúng trong các tình huống mà các em đang gặp phải.
Từ đó luật sư sẽ phối hợp tư vấn pháp luật liên quan về quyền và nghĩa vụ trẻ em, những điều cần lưu ý khi tham gia tố tụng vụ án hình sự.
Đồng tình với ý kiến này, một chuyên gia tâm lý khuyến cáo rằng các bậc phụ huynh có con chẳng may bị xâm hại thì hãy đến gặp các bác sĩ tư vấn tâm lý càng sớm càng tốt để được can thiệp kịp thời.
Bác sĩ sẽ giúp phụ huynh chuẩn bị tinh thần để đối mặt với biến cố, đồng thời đưa ra lời khuyên thích hợp để chăm sóc trẻ.
Bên cạnh đó, người thân của trẻ cũng cần tìm đến cơ quan công an và luật sư để được hỗ trợ về luật pháp. Đưa trẻ đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế thăm khám nhanh chóng và thường xuyên để đảm bảo thể chất và tâm lý trẻ ổn định.
Đặc biệt trong khoảng thời gian khó khăn này, người lớn càng cần phải vững vàng và bản lĩnh bởi trẻ mới là người cần được giúp đỡ nhiều nhất và chịu tổn thương lớn nhất.
Nếu cảm thấy quá khó khăn để đối diện với sự cố, hãy đến gặp bác sĩ tâm lý để tự giải toả cảm xúc cho mình trước để có thể dồn hết toàn lực chăm lo cho trẻ.
N. Huyền