Cách nào đưa công trình khoa học phục vụ cuộc sống?
Đây là những ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo “Kinh nghiệm triển khai ứng dụng từ kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ” do Học Viện Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Khoa học vật liệu và Trung tâm Phát triển công nghệ cao tổ chức hôm 17/9.
GS Phan Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt nam, Giám đốc Học viện khoa học và công nghệ phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS Phan Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt nam, Giám đốc Học viện khoa học và công nghệ cho biết: hiện có nhiều kết quả nghiên cứu ý nghĩa nhưng gặp khó khăn khi tìm kiếm mô hình thương mại hóa phù hợp với điều kiện trong nước. Vì thế sự tham gia của các nhà khoa học có kinh nghiệm trong chuyển giao kết quả nghiên cứu ra thị trường có ý nghĩa lớn đối với các nhà khoa học trẻ, các nghiên cứu sinh trong lĩnh vực công nghệ.
Hội thảo với mục tiêu trao đổi chia sẻ với các diễn giả là nhà khoa học có tầm ảnh hưởng trong nước và trên thế giới, đã có những thành công trong thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học đã thu hút được hơn 90 học viên, nghiên cứu sinh của Học Viện Khoa học và Công nghệ, các nhà khoa học của gần 20 đơn vị trong và ngoài Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Đặc biệt, hội thảo cũng đã mời được GS Nguyễn Sơn Bình, một trong năm nhà khoa học Mỹ gốc Việt có tầm ảnh hưởng trên thế giới sở hữu 30 bằng sáng chế và nhiều sản phẩm đã được thương mại cũng về nước để tham gia hội thảo.
GS Bình cho rằng “các nhà khoa học cần phải biết thị trường đang cần gì”. Và “khi đã có kết quả nghiên cứu, họ cũng cần kết nối với các doanh nghiệp và các nhà khoa học ở lĩnh vực khác cùng hoàn thiện để có sản phẩm hữu ích nhất cho người dùng”.
Lý do cần phải thực hiện “thao tác” này được vị giáo sư gốc Việt chỉ ra rằng, khi nhà khoa học có nhiều thời gian trong phòng thí nghiệm sẽ không dễ để biết thị trường đang vận hành ra sao, nhu cầu như thế nào. Đặc biệt, ở một lĩnh vực cũng không đủ sức giải quyết bài toán thị trường đang cần.
“Với điều kiện hiện tại khoa học trong nước không nên theo đuổi những mục tiêu xa vời, những công nghệ cao giống như nước Mỹ từng làm mà nên chú trọng vào những vấn đề Việt Nam cần giải quyết trong tương lai”, GS Bình cho biết.
Chung quan điểm này TS Hà Phương Thư, Trưởng phòng vật liệu Nano y sinh, Viện Khoa học vật liệu cho rằng, “đích của khoa học là phục vụ cuộc sống, cộng đồng và người dân”.
Theo TS Thư, với nhà khoa học cần xác định vấn đề ngay từ giai đoạn nghiên cứu, sau đó xây dựng nguồn nhân lực có chuyên môn để thực hiện. Đến giai đoạn hoàn thiện công nghệ cần đánh giá tính khả thi của các kết quả nghiên cứu và hiện thực hóa bằng các quy trình công nghệ, thiết bị sản xuất phù hợp.
Với doanh nghiệp, sau khi đầu tư cho việc xây dựng cơ sở, trang thiết bị sản xuất, nguồn nguyên liệu... thì việc xây dựng chiến lược kinh doanh, hệ thống phân phối và tổ chức thực hiện rất quan trọng.
TS Hà Phương Thư cũng chỉ ra nhiều khó khăn, trong đó thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn để định giá kết quả nghiên cứu khi chuyển giao. Kinh phí đầu tư hiện chỉ chú trọng đến R&D mà chưa quan tâm đúng mức để thử nghiệm, hoàn thiện công nghệ. Thông tin và nhu cầu của doanh nghiệp cũng thiếu do nhà khoa học ngồi ở viện, trường không biết người dân và doanh nghiệp đang cần gì.
Từ khó khăn này, TS Thư cho rằng có cầu nối giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và truyền thông có vai trò rất quan trọng. Hiện nhà khoa học đang còn e ngại và chưa thấy hết (hoặc chưa hiểu rõ) vai trò của truyền thông trong khi nếu không truyền thông, quảng bá thì ngay cả doanh nghiệp cũng không biết đến khoa học đã nghiên cứu được gì để hợp tác.