Cách dạy con của ông chủ quán cơm tấm khiến thầy giáo dạy sử "muốn bật ngửa"
Anh Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên dạy Lịch sử của Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) nói rằng mới sáng hôm qua (ngày 26/5), khi ghé một quán cơm tấm bình dân ăn sáng, anh đã phải bất ngờ trước cách dạy con của người chủ quán.
Các bé mầm non ở TP.HCM xếp hàng chờ lấy cơm khi tới giờ ăn ở trường. (Ảnh: Lê Huyền) |
Anh kể: Quán cơm tấm sau lưng Nhà thiếu nhi Quận 5 trông bình thường nhưng nằm trong khu dân cư đông đúc. Chủ quán cơm là một người đàn ông to béo nhìn rất chợ búa. Sáng sớm nên quán chỉ có hai khách là tôi và một người nữa. Tôi đang ngồi đợi cơm thì một cậu nhóc mập mạp mặc đồng phục tiểu học từ trong nhà chạy ra. Có vẻ như sáng nay cháu phải lên trường.
Anh chủ quán nói "Con đợi ba một chút!" rồi quay sang lấy cơm ra dĩa. Anh đưa dĩa cơm cho con và kêu mang ra cho tôi. Cậu bé cầm dĩa cơm với khuôn mặt phấn khởi. Anh chủ quán liền nhắc "Bưng hai tay nha con, như vậy mới lịch sự".
Cậu bé bưng dĩa cơm cẩn thận đặt trước mặt tôi rồi nói "Con mời chú". Tôi thiếu muốn bật ngửa nên ghẹo lại cậu bé "Bán cơm tấm mà lịch sự quá à nha!". Cậu nhóc kia nhìn ba, còn ông chủ quán thì trả lời "Phải dạy vậy từ bé cho nó biết phép lịch sự".
Sau rồi, ông chủ quán đưa cho cậu con trai ly trà sữa, đạp nổ máy chiếc xe cà tàng và chở con tới trường.
4 tuổi, cậu bé này đã biết cất dụng cụ, để đồ ăn thừa đúng chỗ sau bữa cơm trưa. (Ảnh: Lê Huyền) |
Sau khi chứng kiến cách ông chủ quán cơm tấm dạy con, anh Du thốt lên "Con ngoan đâu phải đến trường là ngoan".
Theo thầy giáo dạy lịch sử này, câu chuyện trên cho thấy giáo dục của gia đình rất quan trọng. Trong câu chuyện anh vừa chứng kiến, ông bố chỉ dạy con mình những điều đơn giản để con sống tử tế theo quan điểm của ông ấy, nhưng khi lặp đi lặp lại sẽ tạo thói quen tốt cho con trẻ.
"Mặt khác, ông bố cũng nói con giúp đỡ mình cũng là tạo cho đứa trẻ biết chia sẻ công việc, biết rõ tình hình gia đình mình. Đây là điều vô cùng quý giá bởi điều tôi thấy hiện nay, nhiều đứa trẻ sống rất ích kỷ do sự nuông chiều và quan điểm sống của bố mẹ" - anh Du nhìn nhận.