Các trường ĐH muốn mở rộng tự chủ phải tiến tới bỏ cơ chế bộ chủ quản
Bên lề Hội thảo "Sắp xếp mạng lưới giáo dục đào tạo trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế" do Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tổ chức, ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng đã chia sẻ những khó khăn khi chuyển sang cơ chế tự chủ: “Chúng tôi bắt đầu từ “con số 0” hoàn toàn: Con người không, tài chính không, tài sản không, uy tín không, chương trình không, giáo trình tài liệu không... Thuận lợi và khó khăn đó nhưng nhà trường không “dính” gì tới ngân sách nhà nước”.
Ông Danh cho biết: “Trường được thành lập từ một trường ĐH dân lập rồi chuyển sang ĐH bán công, sau đó là trường công lập với quyết định chuyển về TLĐLĐVN. Sau khi chuyển về TLĐLĐVN, Thủ tướng Chính phủ cho phép trường tiếp tục hoạt động theo cơ chế cũ, thu chi tài chính như một trường ngoài công lập, không điều chuyển tài chính tài sản của trường ra bên ngoài dưới bất cứ hình thức nào”.
Ông Danh khẳng định: “Trong tám năm liên tục, từ 2008-2016, chủ tịch của TLĐLĐVN rất tôn trọng truyền thống tự chủ của trường, nên gần như Hội đồng trường là cơ quan quyền lực tuyệt đối. Có thể nói thành quả của ngày hôm nay cũng chính từ cơ chế đó”, ông Danh nói.
Tuy nhiên, theo ông Danh, từ năm 2016 đến nay khi TLĐLĐVN có chủ tịch mới thì có nhiều thay đổi. Trong đó, khi trường làm bất cứ việc gì đều phải xin phép, phải được phép từ TLĐLĐVN.
Nhà trường đã có phản đối bằng văn bản, phản đối qua các cuộc họp... nhưng không được giải quyết. Đỉnh điểm là Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có công văn yêu cầu các trường chuẩn bị điều chỉnh quy chế, chuẩn bị việc bầu bán theo tinh thần của Luật sửa đổi bổ sung của Luật Giáo dục ĐH để có thể áp dụng từ 1/7.
Sau cuộc họp của Hội đồng trường, TLĐLĐVN ban hành văn bản yêu cầu trường phải thực hiện theo các quy định. Đó là lý do dẫn đến những cuộc tranh luận trong thời gian vừa qua.
“Chúng tôi có một lo ngại, nếu chúng tôi thất bại thì không những hình mẫu thành công số một đất nước về tự chủ này có thể hủy hoại. Điều quan trọng là sẽ tạo ra một tiền lệ rồi các cơ quan chủ quản khác cũng có thể can thiệp vào trường đại học tự chủ mà mình quản lý. Như vậy Luật Giáo dục đại học mới sẽ phá sản”, ông Danh nói.
Sau sự việc xảy ra ở trường ĐH Tôn Đức Thắng với cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN, GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, nên bỏ cơ chế bộ chủ quản bởi nó ràng buộc các trường ĐH nhất là khi chúng ta đang mở rộng tự chủ. “Bộ chủ quản quản lý và quyết định những vấn đề quan trọng nhất về quản lý, tài chính, nhân sự cấp cao thì các trường ĐH không còn chỗ thở vì vậy nên nỏ cơ chế bộ chủ quản đi và thay bằng cơ chế hội đồng trường để quản lý các trường”, ông Thiệp đề nghị.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) đánh giá khá cao thành quả nổi trội của Trường ĐH Tôn Đức Thắng khi thực hiện tự chủ tài chính nhiều năm qua: Không nhận hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước nhưng sự phát triển nhà trường, chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất đều phát triển tốt; tổ chức quản lý rất nghiêm túc; có số lượng lớn bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế uy tín… Những kết quả đạt được của Trường ĐH Tôn Đức Thắng chứng minh cho thành công của chủ trương rất lớn của Đảng, Nhà nước về tự chủ ĐH.
Trước đó, nhiều cán bộ, giảng viên đại học này đã gửi đơn đến một số cơ quan Trung ương, phản đối Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam buộc trường phải nộp 30% phần chênh lệch thu chi tài chính sau khi nộp thuế. Họ cho rằng cơ quan chủ quản đã có nhiều chỉ đạo vi phạm quyền tự chủ của nhà trường và trái với quy định hiện hành, khi yêu cầu lãnh đạo trường trước khi có quyết định quan trọng phải thông qua cơ quan chủ quản trước khi đưa ra Hội đồng trường quyết định.
Trong khi đó, ông Phan Văn Anh (Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nói, đơn vị không buộc Đại học Tôn Đức Thắng phải trích nộp 30% chênh lệch thu chi. Đến nay, Tổng Liên đoàn chưa thu một đồng từ trường.