Các hình thức của phòng khám bác sĩ gia đình
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra mô hình bác sĩ gia đình tại bệnh viện Quận 2. |
Đó là phòng khám BSGĐ tư nhân, phòng khám BSGĐ thuộc khoa khám bệnh của BVĐK nhà nước và Trạm y tế xã có lồng ghép, bổ sung nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình.
Trong đó, phòng khám BSGĐ tư nhân bao gồm: phòng khám BSGĐ tư nhân độc lập; Phòng khám BSGĐ thuộc phòng khám đa khoa tư nhân hoặc BV đa khoa tư nhân.
Nhưng dù họat động theo hình thức nào, các phòng khám này cũng phải đảm bảo nguyên tắc hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình. Đây là một chuyên ngành y học cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cho từng cá nhân và gia đình. Đây là chuyên ngành rộng, lồng ghép giữa y học lâm sàng với sinh học và khoa học hành vi.
Bác sĩ gia đình là bác sĩ chuyên khoa y học gia đình, được đào tạo để hành nghề tại tuyến khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, có nhiệm vụ chăm sóc đầu tiên và liên tục cho người bệnh cũng như người khỏe theo những nguyên tắc đặc thù.
Bác sĩ gia đình hoạt động trên nguyên tắc liên tục, toàn diện, phối hợp, theo hướng dự phòng, dựa vào cộng đồng và gia đình.
Chức năng của bác sĩ gia đình là chăm sóc ban đầu cho người dân tại cộng đồng theo hướng dự phòng.
Bác sĩ gia đình sẽ cung ứng dịch vụ chăm sóc toàn diện, lồng ghép, liên tục và toàn diện cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, duy trì mối quan hệ tin cậy và lâu dài với người bệnh; tham vấn, vận động lối sống lành mạnh, loại bỏ các hành vi nguy cơ đối với bệnh tật nhằm nâng cao năng lực của cá nhân, nhóm và cộng đồng trong việc tự bảo vệ và nâng cao sức khoẻ.
Từ đó, mục tiêu là xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế Việt Nam nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục và thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm quá tải bệnh viện.