'Các em mang tiền về để dành đóng học, cha mẹ ở nhà còn vất vả'

Ngày 20/11 được ví như “Tết của thầy cô”, nhắc nhở tôi về khoảng trời kỷ niệm thuở còn cắp sách đến trường, vô tư xen lẫn chút ngô nghê, dại khờ nhưng đẹp đẽ vô cùng.

Tháng 11, tháng khiến trái tim của mỗi chúng ta khẽ rộn ràng khi nghĩ về mái trường cũ, về người thầy xưa. Ở dưới mái trường đó, có những câu chuyện vui cũng không ít câu chuyện khiến ta ngậm ngùi khi nhớ về. Chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả tuyến bài Trái tim người thầy - nơi chia sẻ những câu chuyện nhỏ, bình dị nhưng chứa đầy tính nhân văn, tình người của những năm tháng học trò.

Độc giả có câu chuyện tương tự có thể gửi về Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Hy vọng mỗi câu chuyện nhỏ là một mảnh ghép tạo nên trái tim, tri ân những người đã dành cả cuộc đời mình để gắn bó với nghiệp "phấn trắng, bảng đen". Xin trân trọng cảm ơn. 

Ngôi trường tiểu học xây cất trên một vùng ven biển mà cuộc sống của người dân lúc ấy còn vây quanh bởi bao lo toan, gian khó, cơm bữa đói bữa no. Việc đi học thời ấy là một điều xa vời, nhiều đứa trẻ chưa dám nghĩ đến.

Tôi may mắn dù gia đình lắm chật vật cha mẹ vẫn cố gắng chắt chiu từng đồng mua quần áo, sách vở để con được đến trường. Năm ấy, tôi vào lớp 3, thầy chủ nhiệm là một người hiền lành nhưng có một điểm riêng biệt vì thầy đang mang căn bệnh trong người.

Thầy nhận công tác giảng dạy tại một xã vùng ven gian khó, với nhiều học sinh một tuần chỉ đến lớp khoảng hai, ba buổi. Nếu nhà có việc là những cô cậu học trò phải nghỉ học, phụ giúp gia đình kiếm gạo được xem ưu tiên trước hết.

Vậy là cứ ngày cách ngày, thầy cùng hai, ba bạn học trò bé nhỏ trong ban cán sự lớp đến từng nhà động viên phụ huynh, học sinh cố gắng vượt qua hoàn cảnh để tiếp tục đến trường. Nhớ lắm một lần thầy cùng chúng tôi đến nhà một bạn trong lớp thăm hỏi vì bạn bỏ học trên 10 ngày. Thời đó không có xe, lúc đi, học trò hớn hở nhưng khi lội bộ quãng đường rất xa, ai cũng thấm mệt.

Bóng chiều dần buông xuống, lũ học trò theo chân thầy ra về mà sức đã mệt lả. Một bạn phát khóc vì đói, vội ngồi bệt xuống đất chẳng chịu bước thêm khiến thầy phải dỗ dành. Cuối cùng thầy phải cõng cậu học trò bé nhỏ trên lưng kéo theo bao tiếng rên rỉ, than đói, mệt của đám trò nhỏ. 

Vài ngày sau, lớp tôi phải học một cô giáo khác trong trường vì nghe tin căn bệnh của thầy tái phát. Hôm ấy đúng vào dịp 20/11, sau buổi học, chúng tôi họp bàn nhau đến nhà thăm thầy. Bạn lớp trưởng với hai bím tóc xinh xắn gom tiền để mua chút quà đến biếu, đứa thì chỉ còn 200 đồng, đứa lại còn 500 đồng. Sau hồi gom góp cũng được khoảng vài ngàn, thế là chúng tôi chạy ra góc trường mua bọc bánh chuối chiên bồi bổ cho thầy.

Lũ trẻ chúng tôi lúc bấy giờ chỉ suy nghĩ thơ ngây rằng bọn tôi thích món quà vặt bày bán góc sân trường, thầy cũng sẽ thích. Trên đường đi, một số bạn con nhà khá giả còn cầm đóa hoa hồng nhựa đỏ thắm trên tay - thứ xa xỉ đối với đám học trò nghèo. Thế là mỗi đứa chạy một nơi lựa chọn những bông hoa đẹp nhất, nổi bật nhất mọc dại ven đường hay lẻn vào sân nhà người khác có trồng bụi bông hồng vội hái trộm một bông tặng thầy nhân ngày 20/11 cho thêm phần rực rỡ.

Đến trước sân nhà có mái lá mát rượi, chúng tôi cất tiếng gọi thầy vang vọng. Thầy đang nằm mắt lim dim mỏi mệt trên chiếc giường tre, nghe giọng đám học trò liền cố ngồi dậy, bước ra cửa. Ánh mắt thầy ngạc nhiên nhìn chúng tôi, chưa kịp hỏi han thì bạn lớp trưởng xông xáo đến đưa bọc bánh chuối chiên để tặng thầy. Tiếp đến, chúng tôi tặng người thầy ấy một bó hoa dại đủ loại như mắc cỡ, cỏ lau, lồng đèn mà đặc biệt là có bông hoa hồng nổi bật nhất được chọn xếp chính giữa. 

Nhìn những học trò thơ ngây, lấm lem, thầy chỉ biết cười thật hiền từ dẫn từng đứa vào nhà lấy nước vì chúng tôi cũng đã khát khô. Sau giây phút hỏi han, thầy đem bọc bánh chuối chiên ra chia cho từng đứa, thầy chỉ lấy một cái nhỏ nhất và khẽ nói với chúng tôi: “Các em để dành tiền mà đi học vì cha mẹ ở nhà làm lụng vất vả, chỉ đến thăm thầy là quý rồi!”.

Cầm bó hoa dại trên tay và miếng bánh chuối, thầy trìu mến nói: “Đây là món quà đặt biệt nhất đối với thầy!”. Cho đến khi lớn khôn mỗi lần nghĩ lại, tôi mới thấy món quà tặng thầy năm nào sao thật ngô nghê quá đỗi. Nhưng có lẽ đối với thầy và bọn tôi khi ấy đó là niềm trân quý theo mãi về sau.

Thời gian thấm thoát trôi nhanh, chúng tôi học xong lớp này lại tiếp tục bận bịu với các lớp học cao hơn. Đến khi sực nhớ về vội hẹn nhau trở lại mái trường xưa tìm thầy, chúng tôi nghe tin do điều kiện sức khỏe không cho phép, thầy đã chuyển công tác về quê nhà. 

Một mùa 20/11 lại về trong không khí háo hức của bao cô cậu học trò. Tôi hiện giờ đã là một bà mẹ của bé trai chập chững vào lớp một. Chuẩn bị bó hoa cho con kính dâng cô giáo lòng lại nao nao nhớ về người thầy đặc biệt của năm xưa và cả món quà không thể nào quên thuở thơ dại.

Ngày ấy dù đang mang trong người trọng bệnh, thầy vẫn kiên trì thắp lên ngọn lửa đam mê truyền đạt kiến thức, vực dậy tinh thần tìm kiếm con chữ cho học trò nghèo. Nếu không có thầy, tôi đã không thể chạm tay đến tấm bằng đại học như ngày hôm nay.

Mắt tôi rưng rưng khi lời bài hát cất lên dưới góc sân trường của con: “Người thầy, vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa. Từng ngày, giọt mồ hôi rơi nhòe trang giấy. Để em đến bên bờ ước mơ, rồi năm tháng sông dài gió mưa, cành hoa trắng vẫn lung linh trong vườn xưa”.

Phan Thanh Cẩm Giang (TP Bạc Liêu, Bạc Liêu)

Từ nghe tiếng Anh bập bõm, nam sinh bứt phá lọt top 1 thế giới kỳ thi của Cambridge

Những ngày đầu học tại ngôi trường mới, Đăng gặp khó khăn vì vốn tiếng Anh ít ỏi, không thể theo kịp các bài học trên lớp. Tự động viên và đặt ra mục tiêu để cố gắng, Đăng dần cải thiện thành tích, bứt phá và lọt top 1 thế giới kỳ thi của Cambridge.

‘Kẻ trộm lương thiện’ trong trí nhớ của người thầy 75 tuổi

Với thầy Khang, dạy học, dạy kiến thức là điều bắt buộc, nhưng điều quan trọng hơn chính là dạy cách làm người, dạy cách sống, cách đối nhân xử thế.

Cô giáo 'làm mới' những đứa trẻ ngỗ ngược, lầm lỡ

Bằng tâm huyết và trách nhiệm, Đại úy Lê Thị Hồng Lụa, giáo viên Trường Giáo dưỡng số 2 (Bộ Công an) đã giúp nhiều trẻ vị thành niên ngỗ ngược, lầm lỡ thay đổi nhận thức, sống hướng thiện.

Trao tặng 230 xe lăn, hơn 600 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó

Trong khuôn khổ CSR Day lần thứ 2, Ban tổ chức đã trao tặng 230 xe lăn cho người khuyết tật và 630 suất học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Nữ giáo sư trẻ nhất ngành y quê Thái Bình, học đại học nổi tiếng trong nước

Chị Trịnh Thị Diệu Thường là tân giáo sư trẻ nhất ngành y năm 2024, hiện làm việc tại Bộ Y tế. Chị quê ở Thái Bình, được đào tạo hoàn toàn trong nước.

Con đứng nhất lớp, học thêm tốn gấp 10 lần học chính, mẹ vẫn lo bị tụt phía sau

Khi thấy những đứa trẻ học thêm tối ngày, nhiều người chỉ trích bố mẹ đặt quá nhiều áp lực mà không biết chúng tôi đang vừa phải gồng gánh kiếm tiền nuôi dạy, vừa 'cân' sức khỏe tinh thần, thể chất và lối vào tương lai của con.

'Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm khi giáo viên bị phát hiện dạy thêm'

Nhiều ý kiến cho rằng nên có quy định hiệu trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm khi giáo viên bị phát hiện dạy thêm. Việc này cũng cần được áp dụng cho tất cả các trường học trên toàn quốc.

Cô giáo xin mua laptop không được giảng dạy đến hết năm học

Cô giáo xin mua laptop ở Trường Tiểu học Chương Dương, quận 1, TPHCM không được đứng lớp giảng dạy từ nay đến hết năm học 2024-2025.

'Nhìn thầy cô từ chối miễn học phí cho con, nhân viên trường học càng tủi’

"Trong trường học đâu chỉ có nhà giáo, chúng tôi - nhân viên văn thư, kế toán... cũng cống hiến, có khi một lúc phải kiêm vài nhiệm vụ, lương bèo bọt, không phụ cấp, nhưng lại bị 'quên' trong đề xuất miễn học phí của Bộ GD-ĐT", một độc giả bày tỏ.

Học sinh nhiều năng lực, có khát vọng nhưng thiếu định hướng

Theo PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương Đỗ Duy Hưng, nhiều học sinh có năng lực và khát vọng nhưng thiếu định hướng dẫn đến lựa chọn sai nghề nghiệp, gây lãng phí.

Đang cập nhật dữ liệu !