Các đại sứ nước ngoài say mê xem hát văn, hầu đồng
Ngày 26/2/2016 vừa qua, lần đầu tiên, một phái đoàn ngoại giao với sự tham gia của 22 Đại sứ và 50 nhà ngoại giao các nước đã có mặt tại Phủ Tiên Hương ( thuộc quần thể Phủ Dầy, tỉnh Nam Định) để tận mắt thưởng thức nghi lễ hầu đồng của đạo Mẫu. Với 8 giá hầu kéo dài gần 3 giờ đồng hồ, thanh đồng Trần Thị Huệ đã làm mãn nhãn phái đoàn ngoại giao do Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì.
Đây là lần đầu tiên các đại sứ nước ngoài được tận mắt chứng kiến nghi lễ Hát văn - hầu đồng ngay tại nơi được coi là khởi nguồn của Tín ngưỡng thờ Mẫu mà Việt Nam đang trình hồ sơ lên UNESCO để được công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại.
Các vị khách được tham gia “Hành trình tới 3 đạo” (Đạo Mẫu – Đạo Thiên Chúa – Đạo Phật tại Phủ Dầy – Nhà thờ đá Phát Diệm- Chùa Bái Đính).
Thanh đồng Trần Thị Huệ trong giá Chầu đệ nhị. Phía sau, Đại sứ Việt Nam Phạm Sanh Châu và Đại sứ Mỹ Ted Osius đang vỗ tay hào hứng.
Sang ngày 27/2, ngày thứ 2 của hành trình , trên dòng Tràng An, tôi đã chụp rất nhiều ảnh cho bà đại sứ Mê-hi-cô Sara Valdes Bolano. Khi rời thuyền để lên bờ, tranh thủ "tám chuyện" ( chứ không phải phỏng vấn để viết bài) với bà vài phút. Bà rút một điếu thuốc lá rất mảnh, vuốt mái tóc ngắn cá tính, cười thoải mái, nhìn lại dòng nước xanh biếc Tràng An và nhắc đến buổi hầu đồng tối hôm trước. Bà bảo thực sự không biết diễn tả cảm giác thế nào? Rất phấn khích!
Còn bà Katherine Muller-Marine,Trưởng dại diện UNESCO tại Việt Nam, thường được gọi là "Bà Tây di sản" thì quá thân thiện, dễ mến. Sau chuyến đi này bà cũng kết thúc nhiệm kỳ, rời Việt Nam để nhận nhiệm vụ mới. Bà rất hy vọng tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam sớm được UNESCO công nhận.
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã gửi hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt” tới tổ chức UNESCO đệ trình là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hồ sơ sẽ được UNESCO xem xét đánh giá vào tháng 12/2016 tại kỳ họp thứ 11 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003) tại Ethiopia."
Bà Katherine Muller-Marine vỗ tay đầy hứng thú nhìn sang bà Đại sứ Mê-hi-cô Sara Valdes Bolano tay cầm 2 cành lộc. Ảnh: Vĩnh Hưng |
Hồ sơ đệ trình chỉ là những con chữ, hình ảnh chuyển tải ít phần chiều sâu của tín ngưỡng thờ Mẫu. Chính buổi hầu đồng trực tiếp này, Thanh đồng Trần Thị Huệ đã giúp không chỉ quan khách quốc tế cảm nhận rõ hơn sự thiêng liêng, tôn kính, ảo diệu của nghi lễ hầu đồng. Chính bà đại sứ Mê-hi-cô còn nhắc đi nhắc lại với người viết rằng:
" Những điệu múa, âm nhạc quá tuyệt vời!"
Thanh đồng Trần Thị Huệ chính là con gái của cụ Trần Thị Duyên, thủ nhang Phủ Tiên Hương. Cụ Duyên năm nay 86 tuổi.
Tuy buổi hầu đồng chỉ chọn 8 giá hầu tiêu biểu trong 36 giá nhưng các nghi lễ, thanh đồng, hầu dâng và ban cung văn thực sự khiến quan khách và những người tham dự say mê.
Chỉ mong rằng rồi đây, khi tín ngưỡng thờ Mẫu nếu được công nhận, các buổi hầu đồng thực tế tại các đền phủ ở khắp các tỉnh thành của Việt Nam, thanh đồng và ban cung văn phải thực sự có một quy chuẩn xứng tầm để tôn vinh giá trị tín ngưỡng. Những thanh đồng, đồng cựu có uy tín không chỉ giúp người " ngoài giới" hiểu đúng về căn đồng, mà còn phải giúp đồng tân nhìn nhận đúng đắn về tín ngưỡng thờ Mẫu để những người tiếp cận không rơi vào vòng mê tín dị đoan luẩn quẩn, tốn tiền vô ích. Cung văn không chỉ hát hay, hát say mà phải hướng đến sự chuẩn chỉ, nghiêm túc. Tránh tình trạng một số cung văn tự chế, phối kết hợp cả lời hát nhạc trẻ hay nhạc cách mạng vào bài văn hầu như một vài nơi người viết đã từng chứng kiến.