Cả gia đình bị sốt xuất huyết: Không hiểu nguyên nhân vì sao
Sốt xuất huyết không nên tự điều trị. |
Cả gia đình bị sốt xuất huyết
Tất cả các thành viên trong gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội đều bị sốt xuất huyết. Bà Ngọc cho biết khi mọi người trong gia đình bị sốt, bà nghĩ sốt thông thường nên chỉ điều trị ở nhà và uống thuốc.
Tuy nhiên, khi chồng bà Ngọc xuất hiện triệu chứng chảy máu chân răng, lúc này cả gia đình hoảng hốt đi kiểm tra thì tất cả đều dương tính với sốt xuất huyết.
Trường hợp gia đình bà Bùi Thị Thêm trú tại Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội cũng tương tự. Bà Thêm bị sốt từ nhiều ngày. Da khô và miệng đắng không ăn uống được gì. Bà Thêm cho biết không chỉ sốt, bà còn đau nhức khắp cở thể, các khớp xương nhức mỏi.
Bà ra Bệnh viện Tràng An khám bác sĩ cho biết bị sốt xuất huyết và khuyên bà nên vào Bệnh viện Xanh Pôn điều trị sốt xuất huyết, tránh lây nhiễm cho cả nhà. Đến nay, sau nhiều ngày truyền dịch, tiểu cầu của bà Thêm đang tăng dần.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội thời gian từ 30/6/2014 đến 17/7/2014 đã ghi nhận chùm ca bệnh sốt xuất huyết gồm 8 bệnh nhân tại phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã khẩn trương tổ chức triển khai điều tra xác minh dịch và triển khai triệt để các biện pháp xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế như phun hóa chất diệt muỗi, tuyên truyền vận động người dân vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy/lăng quăng, loại bỏ, lật úp tất cả các vật dụng chứa nước không cần thiết. Sau khi triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch, hiện nay đã không phát hiện ca bệnh mới trên địa bàn.
Hãy dành 10 phút chống dịch một tuần
Bệnh sốt xuất huyết là căn bệnh do muỗi truyền, có khả năng lan rộng nhanh và đe dọa tính mạng con người. Trên thế giới, bệnh sốt xuất huyết lưu hành trên 100 quốc gia ở các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 3 tỷ người sống tại các vùng có bệnh sốt xuất huyết lưu hành với 50-100 triệu ca mắc hàng năm. Khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Hằng năm, ở Việt Nam ghi nhận khoảng 100.000 trường hợp mắc. Riêng năm 2014, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 12.868 trường hợp, số trường hợp mắc sốt xuất huyết giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2013.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội triển khai quyết liệt và đồng bộ các biện pháp nhằm xử lý triệt để ổ dịch, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài.
Cụ thể Sở Y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Tổ chức phun hóa chất diện rộng tại khu vực đang có ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tham mưu các cấp chính quyền để huy động các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng người dân tích cực phối hợp với ngành y tế tiếp tục duy trì hoạt động diệt lăng quăng/ bọ gậy hàng tuần tại các khu vực có nguy cơ xảy dịch cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần với các khu vực còn lại.
Đảm bảo xử lý triệt để các ổ bọ gậy nguồn tại các hộ gia đình, tại các dụng cụ phế thải và ổ bọ gậy nguồn tại các ổ đọng nước không phải nước sinh hoạt tại các công, nông trường, xí nghiệp, đặc biệt tại các công trình xây dựng.
Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không đẻ trứng.
Hàng tuần người dân dành 10 phút để kiểm tra và diệt lăng quăng/ bọ gậy bằng cách thả cá vào các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.