Cá đuối khổng lồ đẻ non vì sợ người
Con cá đuối dẹt thường (Dasyatis pastinaca) nặng 450kg được tiến sĩ lker Aydin và các sinh viên Đại học Ege, bắt gần tỉnh Izmir phía tây Thổ Nhĩ Kỳ, Earth Touch News hôm qua đưa tin. Nhóm nghiên cứu giăng lưới bắt con cá đuối ở độ sâu 100m trong cuộc khảo sát về các loài cá sống ở vùng nước sâu tại khu vực.
Con cá đuối nặng 450kg được bắt gần Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Ajans Haber). |
Nếu được xác nhận, con cá đuối có bề rộng 2,21m này sẽ đoạt danh hiệu lớn nhất thế giới trong phân loài do dài hơn kỷ lục trước đây gần một mét. Sau khi đưa nó lên tàu nghiên cứu, nhóm của Aydin dùng một ống dài để bơm nước chứa oxy vào mang của con vật trong lúc tiến hành nhiều phép đo đạc và quan sát.
Khi chuẩn bị trả con cá đuối về biển, Aydin nhấc phần đuôi của nó lên để xác định giới tính và nhận ra điều bất thường. Con cá đuối chuẩn bị sinh con. "Đó là một bất ngờ lớn đối với chúng tôi", Aydin nói. 8 con cá đuối con được sinh ra ngay trên tàu mà không kèm theo túi noãn hoàng, chứng tỏ chúng đã sẵn sàng chào đời.
Cá đuối cùng với cá mập rất nhạy cảm trước áp lực và con cái thuộc những loài này thường sinh con sau khi bị bắt. "Tôi cho rằng giả định rất hợp lý là nếu đến sát thời điểm dự sinh, con cái có thể chọn cách sinh con nhằm mang đến cho con non cơ hội trốn thoát", Thomas Farrugia, nghiên cứu sinh thạc sĩ ở Đại học Alaska tại Fairbanks, Mỹ, cho biết.
Những con cá đuối non chào đời ngay trên tàu. (Ảnh: Ajans Haber). |
Theo Farrugia, một nguyên nhân khác có thể thúc đẩy cá đuối sinh con sớm là thay đổi từ môi trường dưới nước lên trên cạn. "Ở dưới nước, con cái được nâng đỡ bởi trạng thái trôi nổi tự nhiên, nhưng khi được đưa lên tàu, tất cả trọng lượng của nó dồn vào mặt dưới, dẫn đến con non bị đẩy ra ngoài", Farrugia giải thích.
Aydin cho hay ông và các sinh viên đã thả con cá đuối mẹ và 8 con non xuống biển ngay sau khi đo đạc xong. Theo Farrugia, nếu được thả xuống nước nhanh chóng và không bị cầm nắm quá nhiều, những con cá đuối con vẫn có cơ hội sống sót rất cao.
Theo VnExpress