Bữa cơm chan nước mắt của một người nghiện khao khát hoàn lương
Ảnh minh họa/Nguồn internet |
Vết trượt dài
Chúng tôi gặp anh Nghiêm Văn Tưng (sinh năm 1971, xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) khi anh đang cai nghiện tại nhà một lương y. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là một người đàn ông với chi chít hình xăm trổ trên người, miệng mếu máo không nói nên lời trước những cử chỉ chăm sóc tận tình của người chị giành cho anh trong những ngày cai nghiện.
Trên khuôn mặt với nước da đen sạm, hằn rõ những đường gân xanh lét anh kể lại cho chúng tôi những vấp ngã cuộc đời đã đưa anh tới con đường nghiện ngập.
Tưng là người con thứ 5 trong gia đình có 7 anh em. Nhà làm nông, quanh năm nghèo khó, chứng kiến cảnh bố mẹ sức khỏe yếu vẫn phải nai lưng kiếm từng đồng nuôi các con khôn lớn, năm 1990 anh xin phép bố mẹ lên Cao Bằng làm nghề đãi vàng.
Ôm giấc mộng đổi đời nhờ nghề đào vàng nơi miền sơn cước, tuy nhiên năm 1992, do đào khoét trong lòng đất sâu hàng chục mét dẫn đến hầm bị sập. Không có việc làm, anh lại xuôi về Hà Nội đi xây, đi lăn sơn, đến làm mộc... kiếm chút ít thu nhập.
Năm 1995, anh kết hôn với chị N.T.V - vợ của anh bây giờ. Một năm sau, gia đình vui mừng chào đón cô con gái đầu lòng. Tuy nhiên, hạnh phúc chẳng tày gang, vì thiếu hiểu biết hơn nữa lại bị bạn bè rủ rê, Tưng đã sa chân vào ma túy sau một năm cưới vợ.
Kể từ khi làm bạn với nàng tiên nâu cuộc sống của gia đình anh hoàn toàn đảo lộn. Bao nhiêu tài sản đáng giá trong nhà đều lần lượt đội nón ra đi.
Năm 1998, cậu con trai thứ 2 chào đời. Những tưởng gia đình có đủ nếp, đủ tẻ, vợ ngoan ngoãn sẽ khiến Tưng nghĩ lại mà hối cải. Tuy nhiên, ma lực của nàng tiên nâu đã khiến Tưng trượt dài trong mê muội với lúc tỉnh, lúc say.
Ban đầu, một điếu thuốc phiện chỉ 20 nghìn đồng, nên Tưng cho rằng chỉ cần chăm chỉ đi làm thì vẫn còn tiền để anh hút mà anh không hề hiểu rằng nhu cầu ngày một tăng cao hơn. “Trung bình một ngày tôi hút hai lần, mỗi lần hết 20 nghìn. Tuy nhiên, nhu cầu càng ngày nó càng tăng lên, có ngày hút hàng chục điếu thuốc mà vẫn không thấy phê",
10 năm đầu đắm chìm trong khói thuốc, Tưng đã khiến gia đình anh khánh kiệt tài sản. Vợ chồng xô xát, tiếng khóc nhiều hơn tiếng cười. Có ngày, Tưng hút tới 500 nghìn tiền thuốc, của cải trong nhà vì thế cứ thay nhau đội nón ra đi càng khiến cho gia cảnh vốn đã chẳng có gì đáng giá nay lại càng thêm xơ xác, tiêu điều.
Đã nhiều lần nghĩ đến cái chết để thoát khỏi ma túy, giải thoát cho bản thân và gia đình, thế nhưng, chính tình thương bao la của người thân trong gia đình đã giúp Nghiêm Văn Tưng có thêm nghị lực quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy.
Đưa tay quẹt ngang dòng nước mắt đang lăn trên khuôn mặt, Tưng nhớ lại. Hồi đó, anh bàn bạc với vợ lên Hà Nội mua thuốc về tự cai tại nhà. Chỉ tính riêng năm 2006, anh tự cai hai lần, mỗi lần kéo dài 4 tháng. Trong khoảng thời gian đó anh vừa uống thuốc theo kê đơn của bác sỹ vừa tự tay xích chân mình vào cửa. Tuy nhiên, khi không có thuốc thì anh lại vật vã, lại thèm ma túy. Kết quả là liều lượng dùng ma tuý cứ tiếp tục tăng dần. Từ hút anh chuyển sang chích, không có tiền mua xi lanh tiêm, Tưng còn dùng chung với bạn bè. Đỉnh điểm là giai đoạn chích bao nhiêu cũng không thấy cảm giác “phê” mà ma túy đem lại.
Năm 2011, trong lúc đang thực hiện hành vi mua bán ma túy, Tưng bị bắt và bị đưa đi cải tạo 3 năm.
Ân nhân cứu giúp cuộc đời
Ngừng lại một lúc anh cho biết, 3 năm cải tạo trong tù là quãng thời gian giúp anh có cơ hội ngẫm lại cuộc đời. 43 năm có mặt trên cuộc đời, anh chưa làm được gì ngoài những nỗi đau chồng chất cho vợ, cho con và những người thân trong gia đình.
Tuy nhiên, nỗi đau một lần nữa như xé toạc niềm hi vọng cuối cùng trong anh. Ngày anh được mãn hạn tù, anh nhận được lá đơn xin ly hôn sau gần 20 năm chung sống của vợ. Anh khóc như một đứa trẻ.
Thương bạn đang đứng trước nguy cơ mất tất cả, một người bạn đã tình nguyện cho Tưng mượn 22 triệu đồng và chiếc xe Dream để anh đi tìm hiểu nơi cai nghiện.
“Hôm đó, tự nhiên nó (anh Tưng – PV) gọi điện cho tôi rồi bảo chị lên đây em có việc muốn nhờ. Rồi nó nói chị đưa nó đi cai nghiện 20 ngày. Trong khoảng thời gian đó tôi làm được bao nhiêu tiền sau này đi làm nó sẽ trả”, chị Nghiêm Thị Roang – chị gái anh Tưng cho biết.
Tò mò vị ân nhân đó là ai, Tưng chỉ khẽ đáp: “Đó là người bạn tốt nhất của tôi. Người bạn đó động viên tôi cố gắng cai nghiện, xong họ sẽ giúp tôi có được việc làm ổn định”.
Nhắc đến con gái 17 tuổi, đôi mắt Tưng chợt đỏ hoe, giọng lạc đi: “Vì gia cảnh quá nghèo nên cháu đã nghỉ học đi làm công nhân giày da lấy tiền nuôi em trai ăn học”.
Khi được hỏi cai nghiện xong, anh sẽ làm gì, liệu anh có quay trở lại con đường cũ không, bỗng dưng Tưng trào nước mắt, nấc nghẹn rồi rụt rè đáp: “Tôi có thể làm được nhiều nghề, tôi sẽ làm để phụ giúp vợ nuôi con. Tôi không muốn sống cuộc sống như thế này nữa. Tôi sẽ cố gắng, xin hãy cho tôi cơ hội”.
Nói về “bệnh nhân” tại trung tâm cai nghiện của mình, thầy lang Nguyễn Hữu Hiệp đáp: “Từ khi vào điều trị tới nay, anh Tưng luôn tỏ ra ngoan ngoãn, nghe lời và kết hợp với tôi trong điều trị. Có những lần chính mắt tôi chứng kiến bữa cơm chan trong nước mắt của hai chị em anh Tưng. Điều đó, khiến tôi có niềm tin rằng anh Tưng sẽ thành công”.