BOT An Sương - An Lạc xả trạm vì tài xế phản đối thu phí
Theo báo điện tử Zing, khoảng 18h ngày 3/12, một số tài xế chạy ô tô qua trạm thu phí An Sương – An Lạc (quận Bình Tân, TP.HCM) dừng xe, không chấp nhận mua vé. Tài xế yêu cầu gặp lãnh đạo công ty, hỏi rõ vì sao trạm thu phí đã thu quá thời hạn vẫn không dừng hoạt động.
Tài xế tụ tập phản đối việc thu phí quá hạn tại BOT An Sương - An Lạc. Ảnh Zing |
Trước tình hình trên, Công an quận Bình Tân cũng nhanh chóng có mặt để đảm bảo an ninh trật tự khu vực. Đến 19h, giao thông trên Quốc lộ 1 đoạn qua BOT An Sương – An Lạc mới trở lại bình thường.
Anh Phạm Thành Long (38 tuổi, ngụ quận Bình Tân), cho biết theo văn bản quy định trạm thu phí An Sương - An Lạc bắt đầu hoạt động từ tháng 4/2004 đến 1/1/2017. Tuy nhiên, trạm thu phí hoạt động đến nay đã quá thời hạn 31 tháng.
“Chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư bỏ trạm thu phí. Chủ đầu tư phải thực hiện đúng cam kết, pháp luật”, anh Long nói.
Trả lời báo Tuổi Trẻ và Zing, ông Nguyễn Hồng Ninh, Giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng IDICO (chủ đầu tư dự án), cho biết, việc tài xế dừng ô tô phản đối thu phí quá thời hạn là sự hiểu lầm.
Trạm BOT An Sương - An Lạc buộc phải xả tạm tối qua 3/12 |
Theo ông Ninh, theo hợp đồng thu phí giai đoạn 1 (nâng cấp 12 km Quốc lộ 1) đến 1/1/2017 thì ngưng. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung thêm 4 hạng mục thu phí là 2 nhánh cầu vượt Tỉnh lộ 10 - Quốc lộ 1; cầu vượt Hương lộ 2 - Quốc lộ 1; cầu vượt Lê Trọng Tấn - Quốc lộ 1. Chủ đầu tư tiếp tục thu phí là đúng.
“Kinh phí xây dựng thêm 4 cây cầu trên và kinh phí nâng cấp đoạn đường 12 km là gần 2.500 tỷ đồng, thời gian thu phí được tiếp tục thực hiện từ 2/1/2017 đến 31/1/2033, theo quy định của Nhà nước”, ông Nguyễn Hồng Ninh nói.
Ông Ninh cho biết, do nhiều tài xế phản ứng, dừng đậu, tập trung đông có thể gây ách tắc giao thông nên tạm thời công ty cho "xả trạm". Sau đó, IDICO tổ chức thu phí trở lại bình thường.