Bông hồng của sa mạc
Xuất phát từ sự ra đi sau tai nạn của một người bạn trong thảm họa động đất tại Nepal tháng 4/2015, cô gái trẻ sinh năm 1990 Vũ Phương Thanh chợt nhận ra rằng ai cũng có một tuổi trẻ để sống, và thoát khỏi vùng an toàn để khám phá giới hạn của bản thân là cách cô trải nghiệm cuộc sống.
Thách thức giới hạn bản thân
Vũ Phương Thanh (cầm cờ Việt Nam) và bạn đồng hành sau khi kết thúc hành trình 250km qua Nam cực. |
Năm 2016 với Vũ Phương Thanh là một năm đầy mĩ mãn, khi cô cùng 200 vận động viên trên toàn thế giới chinh phục thành công 4 sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới thông qua Giải chạy “The 4 deserts grand slam”. Đây là thử thách buộc người tham gia phải hoàn thành chạy đua qua 4 sa mạc trong vòng 1 năm, đòi hỏi phải chuẩn bị rất kỹ về thể lực, tinh thần cũng như việc lên kế hoạch tham gia. Tổng hành trình dài 1.000 km qua 4 sa mạc này gồm: Sahara (Gamibia), Gobi (Trung Quốc), Atacama (Chile) và Antartica tại Nam Cực với chiều dài mỗi chặng là 250 km.
Hoàn thành 4 thử thách trên, ngày 26/11/2016 vừa qua, Vũ Phương Thanh đã chính thức trở thành người phụ nữ châu Á đầu tiên chinh phục thành công “The 4 deserts grand slam”. Cô cũng là một trong những vận động viên trẻ nhất tham gia thử thách này. Trước đó, năm 2015, cô cũng đã trở thành người Việt Nam đầu tiên chạy bộ 250 km qua sa mạc Atacama.
Để có được những kỷ lục này, cô gái trẻ gốc Hà Nội đã mạnh dạn từ bỏ một công việc ổn định tại Hãng tin Bloomberg Singapore và lao vào tập luyện như một vận động viên chuyên nghiệp.
Với Vũ Phương Thanh, một cuộc sống ổn định khi còn quá trẻ khiến cho bản thân không thể phát triển hết mình. Cô tâm sự rằng ban đầu cũng hoang mang khi biết mình đã đặt bản thân vào một tình thế khá nguy hiểm. “Nó khiến tôi mang trong mình cảm giác có lỗi với bố mẹ, nếu chẳng may có một biến cố nào đó ảnh hưởng đến tính mạng hay ảnh hưởng đến cuộc sống lâu dài của mình thì thật là không đáng”, Vũ Phương Thanh nói.
Để vượt qua những thử thách trước mắt, Vũ Phương Thanh phải một mình đối mặt và vượt qua những khó khăn trước mỗi chặng đua. Chẳng hạn như thủ tục xin visa, rồi nhiều việc tưởng như lặt vặt nhưng lại ngốn rất nhiều thời gian. Giữa giải Gamibia và giải Gobi chỉ cách nhau 5 tuần nên việc phục hồi thể lực cũng là thử thách không hề nhỏ.
Đổi lại, cô gái trẻ này không chỉ thấy được sự phi thường của ý chí con người, mà còn thấy được vẻ đẹp lãng mạn của những sa mạc tưởng như khô cằn nhất. Thay cho cảm nhận về những sa mạc cằn cỗi, trải nghiệm rồi cô mới thấy sa mạc cũng mang trong mình vẻ đẹp kỳ thú, có sức lôi cuốn lạ kỳ.
Gian nan hành trình vượt sa mạc
Vũ Phương Thanh (phải) và bạn đồng hành sau khi hoàn thành 250 km qua sa mạc Atacama (Chile) năm 2016. |
Kể về hành trình chinh phục 4 sa mạc của mình, Thanh cho biết, theo thông lệ hàng năm, chặng sa mạc Sahara sẽ được tổ chức tại Ai Cập, nhưng vì lý do an toàn nên Ban Tổ chức đã dời đến Namibia. “Nếu nghĩ đến thử thách của mình dài 1.000 km thì quả thực rất nản, nên khi tham gia giải, tôi chỉ nghĩ đến từng chặng một trong mỗi ngày cần phải vượt qua, hoặc đôi khi chỉ là mấy bước chân tiếp theo. Trung bình mỗi ngày chúng tôi chạy qua một quãng sa mạc có độ dài gần bằng một cuộc thi Marathon (42 km). Cứ như vậy, quãng đường 250 km của mỗi sa mạc sẽ không còn là nỗi sợ hãi nữa”, Thanh nói.
Với sa mạc Gobi ở Trung Quốc lại là một thử thách khác, người tham gia bắt đầu chặng đua này ở lưng chừng núi, sau đó cự ly chinh phục tăng dần theo từng ngày. Đến ngày thứ ba, lên đỉnh cao nhất của chặng đua 250 km Gobi với độ cao 2.890m. Không khí nơi đây khá loãng và cô đã bị sốc độ cao. “Không riêng mình tôi, có nhiều người cũng bị sốc độ cao tại Gobi, biểu hiện là mặt tái xanh, hơi thở ngắn và yếu, cứ “lết” 3 bước lại phải nghỉ 1 bước. Nhưng khi đã lên đỉnh, cảm giác có thể chạm tay vào mây, cảm giác bồng bềnh như đang chạy trên mây như một phần thưởng cho những nỗ lực trước đó”, Vũ Phương Thanh cho biết.
Thế nhưng, thời tiết ở Gobi lại khắc nghiệt theo kiểu không thể tiên đoán. Ở trên núi, nhiệt độ chỉ 10oC nhưng thời tiết lại rất nóng, khi xuống đến thung lũng, nhiệt độ cao nhất lên đến 48oC, thậm chí là 51oC khi không có gió. Thử thách này cũng khiến cho người tham gia cảm thấy mình bứt phá được một đỉnh cao mới.
Hình ảnh cô gái Việt Nam trên mỗi hành trình năm 2016. |
Với giải Atacama ở Chile, đây là chặng đua khiến cho ai cũng phải thích thú bởi khung cảnh với sự đa dạng về địa hình. Không chỉ là sa mạc cát, Atacama còn khiến người tham gia phải vượt qua 8km đường sông và cũng có rất nhiều đồi cát cao cần chinh phục. Sự khô cằn của mặt đất được tạo bởi những hạt muối trắng nhìn như tuyết phủ, chạy trên mặt phẳng cứng như vậy rất đau và dễ gây tổn thương chân. Nhưng đến ngày thứ năm sẽ có cảm giác như được đi trên mặt trăng bởi Atacama có một vùng gọi là thung lũng Mặt trăng, điều đó khiến cho người tham gia cảm nhận rõ sự lãng mạn do sa mạc đem lại.
Sa mạc cuối cùng trong hành trình “The 4 deserts grand slam” là sa mạc Antartica tại Nam Cực. Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi nghĩ rằng sa mạc phải là nơi toàn cát và nắng gió, thế nhưng Nam Cực là sa mạc băng giá. Để chinh phục sa mạc này phải mất 2 ngày đi tàu từ Argentina. Việc bị say sóng ảnh hưởng rất nhiều đến thể lực cho mỗi người tham gia.
Vũ Phương Thanh cho biết, cô cũng sẽ tiếp tục chinh phục những thử thách tương tự trong tương lai. Với việc trở thành người phụ nữ châu Á đầu tiên chinh phục thành công “The 4 deserts grand slam”, cô cũng trở thành niềm cảm hứng cho giới trẻ trong việc quảng bá tinh thần của người Việt ra thế giới.