Bông điên điển – Nỗi nhớ tuổi thơ tôi
Gần ba mươi năm xa xứ, dẫu đã ở độ tuổi tóc hoa râm, tôi vẫn nhớ mãi câu ca dao thường nghe thuở bé: “Điên điển mà đem muối chua/Ăn kèm cá nướng đến vua cũng thèm”.
Cây điên điển còn gọi là muồng rút, điền thanh; rất thường gặp ở các đầm lầy, ruộng nước.
Mỗi năm, cứ vào đầu mùa nước nổi, nơi các bờ sông, bờ rạch, bờ ruộng, những cây điên điển chết héo từ những tháng ngày nào tự nhiên xanh tươi trở lại làm đẹp thêm phong cảnh đồng bằng miền Tây Nam bộ, làm gợi nhớ đến những lời hát nặng tình quê: “Miền Tây xanh sắc mây trời, phù sa nước nổi người ơi đừng về. Với màu điên điển say mê, vàng trong ánh mắt, vỗ về gót chân...”.
Khi con nước tràn ngập các bờ sông, đồng ruộng, cũng là lúc điên điển trổ đầy cành những đóa hoa vàng rực màu nắng phương Nam, phất phơ trong ngọn gió hoặc rũ oằn trong những cơn mưa.
Bà nội tôi thường kể, hồi trước người nông dân nghèo khổ dùng bông điên điển nấu cháo cầm cự với cơn đói của những tháng ngày không có khả năng kiếm được tiền. Ngày nay, với những người nghèo, bông điên điển giúp họ có thêm thu nhập bên cạnh việc đánh bắt cá, tép trên những cánh đồng trắng xóa một màu nước nổi. Mùi vị của điên điển cũng khá đặc biệt, nhẩn nhẩn, đăng đắng, nhai lâu thì cảm nhận được vị ngọt và bùi bùi đan xen đậm đà nơi đầu lưỡi, không lẫn vào đâu được.
Bông điên điển xào tép.
Hồi còn nhỏ, tôi thường theo anh ba tôi chống xuồng đi hái bông điên điển về cho má làm dưa. Chỉ cần ngâm bông điên điển đã lặt, rửa sạch với giá sống trong nước muối có độ mặn vừa chuẩn, chừng ba ngày sau là đã có một dĩa dưa vừa chua vừa giòn chấm với nước tương dầm ớt ăn đã ngon mà chấm với cá hoặc thịt kho lại càng ngon hơn.
Bông điên điển xào chả cá; bông điên điển trộn mực, hành tím, với nước chanh đường, tương ớt, nước mắm là món nhấm khoái khẩu với rượu ST5. Bông điên điển xào trứng vịt là một món ăn vừa thơm ngon, bổ dưỡng, giải nhiệt, giải độc, có ích cho người suy nhược cơ thể, ăn ngủ kém, táo bón, tiểu đường, trẻ em bị mụn nhọt. Bông điên điển cũng còn được dùng để nấu canh chua, xào tép, làm nhưn bánh xèo... mang đậm hương vị đặc trưng vừa ngon, ngọt vừa giòn giòn lại giàu màu sắc rực rỡ cùng với màu xanh của rau thơm, màu đỏ của tép đất...
Hái bông điên điển về nhặt, rửa sạch, để ráo nước; nạo nửa trái dừa khô, trộn chung cho đều rồi múc ra dĩa. Chưng mắm hoặc nước tương, khi đang nóng thì trút vào dĩa trộn đều để ăn. Món này ăn giòn, thơm, bùi, béo lại nồng đượm hương vị của điên điển, mang màu sắc “hương đồng cỏ nội” nên rất ngon miệng. Gần ba mươi năm xa xứ, dẫu đã ở độ tuổi tóc hoa râm, tôi vẫn nhớ mãi câu ca dao thường nghe thuở bé: “Điên điển mà đem muối chua/Ăn kèm cá nướng đến vua cũng thèm”.
Mùa nước nổi cũng là mùa cá linh từ Biển Hồ trôi dạt xuống sông Tiền, sông Hậu. Nấu một nồi lẩu cá linh với me sống (hoặc nặn chanh) vừa chua, người dân quê tôi chỉ nhúng độc một thứ hoa vàng rực này vào. Món ngon này sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn nếu có thêm vài bạn bè tâm sự lai rai bên ly rượu đế, chuyện mùa màng, chuyện làm ăn, chuyện thời sự quốc tế rôm rả trong những buổi trưa dưới gốc cây bàng tỏa bóng. Tình làng nghĩa xóm sao mà đậm đà đến vậy!
Theo Báo Sóc Trăng