“Bội thu” Huy chương Vàng và câu chuyện chảy máu chất xám
Chỉ riêng về Olympic Toán học, Việt Nam tham dự Olympic Toán học từ 1974 đến nay nhưng chỉ có 2 năm không tham dự là 1977 và 1981 thì đã có 233 lượt học sinh Việt Nam dự thi các kỳ Olympic Toán quốc tế.
Thí sinh tham dự Olympic Toán quốc tế (IMO) 2017 ddoatj4 HCV, 1 HCB |
Các thế hệ học sinh Việt Nam đã giành 56 huy chương vàng, 95 huy chương bạc, 67 huy chương đồng, 1 giải thưởng đặc biệt. Điều quan trọng là Việt Nam luôn được vinh danh là một trong những quốc gia có nhiều tài năng toán nhất trên thế giới. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là hiện nay những tài năng Toán học đó đang làm việc ở đâu? Câu trả lời là phần lớn, sau khi đi du học họ đã ở lại định cư tại nước ngoài mà không quay về Việt Nam.
Người xưa có câu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, thế nhưng, nếu chú ý quan sát, chúng ta có thể thấy phần lớn nhân tài sau khi đi du học thường tìm cách ở lại nước ngoài. Nhiều người cho rằng chúng ta đang lãng phí tài năng khi để xảy ra tình trạng chảy máu chất xám. Vậy, làm sao để có thể thu hút nhân tài về nước cống hiến để thúc đẩy sự phát triển kinh tế?
Liên quan đến vấn đề này, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT ĐH FPT.
TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT ĐH FPT |
PV: Thưa TS, TS. Lê Trường Tùng, ông suy nghĩ thế nào về việc trí thức Việt sau khi có cơ hội đi du học sẽ định cư tại nước ngoài luôn mà không quay về?
TS. Lê Trường Tùng: Khi biết tin học sinh Việt Nam đoạt giải cao trong cuộc thi Olympic quốc tế, nhất là kết quả cao nhất trong lịch sử, tôi thực sự rất vui mừng. Điều đó chứng tỏ trí tuệ Việt được đánh giá rất cao trên đấu trường quốc tế.
Đương nhiên, các thí sinh đoạt Huy chương vàng, Huy chương bạc sẽ có rất nhiều cơ hội giành học bổng tại các trường ĐH danh tiếng trên thế giới. Việc du học là lựa chọn chính đáng và các em có quyền như vậy. Nhất là khi chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam hiện tại chưa thể sánh với các nước có nền giáo dục tiên tiến như Anh, Mỹ hay Úc.
Sau khi học xong, việc các em ở lại định cư ở nước ngoài hay về nước cống hiến là do suy nghĩ và tùy chọn của mỗi người. Câu chuyện nhân tài Việt định cư ở nước ngoài chúng ta cũng nên có cái nhìn thoáng hơn một chút.
Nhất là khi, nhiều ngành nghề đặc thù, việc cống hiến là xuyên biên giới. Ví như khi phát hiện ra một định lý Toán học thì đó là cống hiến chung cho cả nhân loại.
PV: Theo ông, nguyên nhân nào khiến cho đa số nhân tài chọn định cư ở nước ngoài thay vì việc quay trở về Việt Nam cống hiến, ví như 12/13 nhà vô địch Olympia định cư ở nước ngoài?
TS. Lê Trường Tùng: Hiện nay rất nhiều người Việt có xu hướng xuất ngoại như mua nhà ở nước ngoài để có thể định cư ở đó. Lí do gì mà những người đã du học ở nước ngoài lại không muốn quay trở về?
Chúng ta phải nhìn nhận một thực tế là bất cứ nước tiên tiến nào đều dễ dàng có một cuộc sống ổn định, đầy đủ hơn, công bằng hơn nhất là những trí thức. Nhưng đối với những người có tri thức được đào tạo bài bản ở nước ngoài thì họ chọn cách ở lại không chỉ vì mức lương hay chế độ đãi ngộ.
Một thực tế mà nhiều du học sinh phải đối mặt là những thủ tục hành chính, việc vất vả để xin việc rồi môi trường làm việc thiếu cởi mở. Đó là chưa kể việc phải sống mòn với nếp sống sáng cắp cặp đi, tối cắp cặp về... Họ e ngại tất cả những mơ ước, hoài bão đều dần bị thui chột bởi lối sống ấy.
PV: Theo ông, giải pháp nào có thể thu hút nhân tài về nước?
TS. Lê Trường Tùng: Đương nhiên về khía cạnh quản lý nhà nước ai cũng muốn có được nhiều nhân tài để đất nước có thể giàu mạnh. Để thu hút nhân tài, quan trọng nhất là chúng ta phải tạo ra được môi trường tốt để họ có điều kiện được cống hiến, được phát triển ước mơ và tài năng của mình.
Đương nhiên, trí thức phải đủ tài để làm được việc, phải thuyết phục được người khác tạo điều kiện để mình hoàn thành công việc. Về phía cơ quan quản lý, chúng ta phải mạnh dạn trong việc sử dụng người tài. Mạnh dạn giao những vị trí quan trọng trong bộ phận đầu não để tạo bước đột phá thực sự.
Làm được những điều đó, tôi tin những trí thức thực sự cũng sẽ suy nghĩ nghiêm túc về việc có nên quay về hay không. Hãy tạo sự đột phá để tận dụng nhân tài của chúng ta, chỉ có thế mới hi vọng đất nước phát triển.
Xin cảm ơn TS về cuộc trò chuyện!