Bộ Y tế 'tuýt còi' BV Bạch Mai về việc tăng giá khám với giáo sư lên 550.000 đồng/lượt
Bộ Y tế yêu cầu BV Bạch Mai không điều chỉnh tăng giá các dịch vụ khám, chữa bệnh tại bệnh viện kể cả các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu cho đến khi Bộ Y tế ban hành khung giá.
Bộ Y tế yêu cầu BV Bạch Mai không điều chỉnh tăng giá các dịch vụ khám, chữa bệnh tại bệnh viện kể cả các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu |
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa ký văn bản gửi Bệnh viện Bạch Mai về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại Bệnh viện Bạch Mai.
Theo đó, ngày 3/3, Bệnh viện Bạch Mai đã có công văn gửi Bộ Y tế báo cáo và công khai giá dịch vụ y tế, trong đó có công khai quyết định của Giám đốc BV Bạch Mai về việc ban hành tạm giá “Khám bệnh theo yêu cầu” và giá “Giường dịch vụ” tại Bệnh viện Bạch Mai với 4 mức giá.
Theo đó, Bộ Y tế nêu rõ, do diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp, tác động không nhỏ đến đời sống của người dân nên Bộ Y tế chưa ban hành Thông tư quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu đối với các cơ sở y tế công lập, chưa báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến về việc điều chỉnh giá dịch vụ trong năm 2021 (kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, giá khám bệnh, chữa bệnh BHYT).
“Do đó, Bộ Y tế yêu cầu BV Bạch Mai không điều chỉnh tăng giá các dịch vụ khám, chữa bệnh tại bệnh viện kể cả các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu cho đến khi Bộ Y tế ban hành khung giá khám bệnh, chữa bệnh (gồm giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu)”, văn bản nêu rõ.
Sở dĩ Bộ Y tế đưa ra ý kiến này là bởi vì theo quy định tại điểm b, khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 33/NQ- CP ngày 19/5/2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ của 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế thì:
“Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT áp dụng theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT do Bộ Y tế ban hành.
Giá dịch vụ y tế theo yêu cầu Bộ Y tế ban hành khung, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tính đủ các yếu tố chi phí hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, có tích luỹ trên cơ sở tham khảo giá của các bệnh viện tư nhân và các bệnh viện có vốn đầu tư ở nước ngoài tại Việt Nam. Bệnh viện được quyết định giá dịch vụ y tế đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong phạm vi khung, giá do Bộ Y tế ban hành và thực hiện kê khai giá, niêm yết theo quy định của pháp luật về giá”.
Như vậy giá khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước phải áp dụng theo giá, khung giá do Bộ Y tế ban hành.
Việc Bộ Y tế kịp thời ra văn bản này nhận được sự đón nhận của nhiều người dân, đặc biệt là người bệnh. Ông Ngô Trí T. ( Ba Đình, Hà Nội), một bệnh nhân có tiền sử huyết áp, bệnh tim mạch cho biết: Nếu tăng giá cao quá sẽ rất khó khăn cho người bệnh. Đặc biệt những người bệnh như ông.
"Mỗi lần đến Bạch Mai khám tôi đều phải khám dịch vụ (BHYT ở một bệnh viện khác của HN) do đó, nếu giá tăng như thế này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lương hưu hạn hẹp. Vì ngoài tiền khám, mỗi lần khám xong cũng phải tốn khá nhiều tiền thuốc", ông T. cho biết.
Về chi phí giường bệnh, bao gồm chi phí gói chăm sóc toàn diện với các mức: loại 1 (1 người/phòng): 2,3 triệu đồng/người/ngày; giường loại 2 (2 người/phòng): 1,8 triệu đồng/người/ngày; giường loại 3 (3-4 người/phòng): 1.390.000 đồng/người/ngày.
Riêng giường chăm sóc toàn diện loại đặc biệt (phòng 2 người nhưng 1 người bệnh đề nghị sử dụng hết cả phòng): 3,3 triệu đồng/người/ngày. Người bệnh có bảo hiểm y tế sẽ chi trả phần chênh lệch giữa giá bảo hiểm chi trả và giá theo yêu cầu, nếu có nhu cầu sử dụng dịch vụ theo yêu cầu.
Mức giá mới này cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với mức giá hiện hành, riêng giường chăm sóc toàn diện như kể trên giá tương đương một số bệnh viện tư ở Hà Nội.
Bệnh viện Bạch Mai là 1 trong 2 bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam được Chính phủ cho phép tự chủ toàn diện (cùng với Bệnh viện K), việc quyết định mức giá, nhân sự, đầu tư trang thiết bị cho bệnh viện do hội đồng quản lý bệnh viện thảo luận và ra nghị quyết để áp dụng.
N. Huyền