Bộ Y tế sẽ quản lý giá thuốc, chất lượng thuốc chặt chẽ hơn
Ảnh minh họa. |
Giá thuốc ở Việt Nam không cao
Theo đại diện Bộ Y tế, năm 2016, khảo sát của y tế thế giới về giá thuốc ở Việt Nam cho hay, giá thuốc hiện đang ở mức trung bình, thậm chí thấp. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sử dụng biện pháp hành chính để tiết chế giá thuốc thấp.
Ngoài ra, hiện nay, thống kê các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện cũng đang sử dụng thuốc nội nhiều hơn. Các tuyến trung ương sở dĩ sử dụng nhiều thuốc biệt dược, thuốc ngoại bởi vì họ có nhiều bệnh nhân nặng hơn, bệnh nguy hiểm hơn.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã triển khai các quy định của Luật Dược, Liên Bộ Y tế – Bộ Tài chính – Bộ Công Thương đã tích cực triển khai việc quản lý chặt chẽ thị trường thuốc chữa bệnh.
Trong đó, Bộ Y tế tập trung quản lý giá thuốc đối với các khu vực bệnh viện công lập với cơ chế đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch giúp tiết giảm chi phí tại cơ sở y tế và giá thuốc tại nhà thuốc bệnh viện được quản lý thông qua thặng số bán lẻ.
Đối với giá thuốc lưu hành trên thị trường được giám sát chặt chẽ thông qua quy định về kê khai, kê khai lại và công bố công khai giá từ khâu đăng ký lưu hành, nhập khẩu và đấu thầu cung ứng thuốc cho các bệnh viện.
Vì vậy, so với những năm trước, về cơ bản thị trường dược phẩm vẫn được duy trì bình ổn, đáp ứng đủ thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị bệnh của nhân dân.
Giá CIF chỉ là giá vốn của thuốc nhập khẩu. Với cùng mặt hàng, doanh nghiệp khác nhau mua thuốc có giá CIF khác nhau, nhưng điều quan trọng là giá bán buôn, cơ sở kê khai phù hợp mặt bằng giá bán buôn kê khai của các đơn vị khác theo tiêu chuẩn kỹ thuật.
Trong quá trình rà soát giá kê khai, Tổ công tác liên ngành về giá thuốc của Bộ Y tế - Bộ Tài chính - Bộ Công Thương so sánh chênh lệch giá bán buôn kê khai/giá CIF phù hợp mặt bằng chênh lệch giá bán buôn kê khai/giá CIF của các mặt hàng tương tự.
Quản lý chặt hơn nữa
Hiện nay Bộ Y tế tiếp tục triển khai Công văn số 13719/QLD-CL ngày 23/8/2013, Cục Quản lý Dược yêu cầu hệ thống kiểm tra chất lượng thuốc nhà nước thực hiện kiểm tra chất lượng 100% các lô thuốc nhập khẩu của các công ty sản xuất thuốc nước ngoài đã có thuốc vi phạm chất lượng trong quá trình lưu hành thuốc tại Việt Nam.
Tính đến nay, đã có 103 cơ sở sản xuất nước ngoài phải kiểm tra theo tinh thần công văn trên, phát hiện và ngăn chặn đưa ra thị trường 83 lô thuốc không đạt chất lượng. Năm 2014 phát hiện 70 lô, 2015 phát hiện 6 lô và tính từ đầu năm 2016 đến nay chỉ phát hiện 02 lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
- Phối hợp công tác với các cơ quan liên quan, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389 Trung ương, ...thành lập Ban chỉ đạo 389 Bộ Y tế nhằm tăng cường các hoạt động hậu kiểm, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm khắc các cơ sở, cá nhân kinh doanh thuốc kém chất lượng, thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
- Đang phối hợp với các Bộ Ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị định Chính phủ hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Dược 2016; trong đó quy định chi tiết các nội dung cụ thể về điều kiện của các cơ sở sản xuất thuốc, việc kiểm tra đối với cơ sở sản xuất nước ngoài... trách nhiệm của các cơ quan quản lý và của doanh nghiệp.
- Tham mưu, đề xuất về việc phân cấp quản lý nhà nước để phát huy khả năng và tính chủ động của y tế địa phương; kết hợp với việc đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW hỗ trợ nhân lực và tài chính cho cơ quan quản lý dược, thanh tra, kiểm nghiệm thuộc Sở Y tế để tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của y tế địa phương.
- Đã và đang triển khai các dự án nhằm nâng cao năng lực của hệ thống kiểm nghiệm thuốc. Triển khai dự án nâng cấp 02 Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Viện Kiểm nghiệm thuốc Tp. Hồ Chí Minh đạt tiêu chuẩn quốc tế.