Bộ trưởng TN&MT: Người sử dụng đất vượt hạn mức sẽ bị tính thuế cao
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nếu người dân dùng đất trong hạn mức quy định sử dụng sẽ tính thuế thấp. Người sử dụng vượt hạn mức sẽ bị tính thuế cao hơn.
Tại buổi đối thoại về sửa đổi Luật Đất đai mới đây, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết theo chủ trương mới của Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ quy định mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất. Chính sách này sẽ được xem xét kỹ lưỡng và thể chế hóa tại các quy định của pháp luật về thuế.
"Vì hiện nay có người nhiều nhà, nhưng diện tích nhỏ; cũng có người chỉ có một nhà, nhưng diện tích hàng nghìn m2. Vậy nên cần tính hạn mức sử dụng đất cho từng địa phương, chẳng hạn có nơi 300 m2, 500 m2, có nơi 1.000 m2", ông nói.
Theo Bộ trưởng, nếu người dân dùng đất trong hạn mức đó sẽ tính thuế thấp. Người sử dụng đất vượt hạn mức sẽ bị tính thuế cao hơn. Người dùng đất vượt hạn mức 3, 4 lần thì sẽ có mức thuế cao hơn tương ứng.
Để hạn chế các đối tượng đầu cơ đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng phải dùng các công cụ tài chính, thuế. Chẳng hạn, với dự án mà nhà đầu tư mua với mục đích chờ giá tăng lên, đất hóa tài sản... thì sẽ xem xét dùng thuế lũy tiến để đánh vào đất, dự án trúng thầu, đấu giá nhưng chậm đưa vào sử dụng.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh sẽ không đánh thuế vào nhiều nhà, nhưng đánh vào hạn mức sử dụng và nhiều đất nhưng không sử dụng. Ảnh: Quỳnh Danh. |
"Với nhà đầu cơ, nếu họ mua xong bán ngay thì sẽ phải chịu mức thuế cao hơn, so với người mua, đầu tư nhưng sử dụng lâu dài, ổn định. Tức, chúng ta sẽ áp thuế cao với những người đầu cơ, mua đất, dự án nhưng sau đó không đầu tư mà chờ thị trường tăng để thu lời", ông Hà thông tin.
Bộ trưởng cho rằng điều quan trọng nhất phải xác định giá theo thị trường và dùng công cụ thị trường để điều tiết giá. Công cụ thị trường ở đây là cung - cầu để xác định giá. Ví dụ, phân khúc nhà nào đang quá ít mà nhu cầu quá lớn thì Nhà nước cần có quỹ đất bổ sung vào phân khúc này. Khi số lượng sản phẩm tăng lên thì giá sẽ giảm xuống.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan cho rằng chính sách thuế sẽ góp phần hạn chế nạn đầu cơ, tạo sốt đất ảo, từ đó ổn định giá bất động sản. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế trong ngắn hạn, vì quan hệ cung - cầu mới là yếu tố quyết định giá cả trên thị trường nói chung, không chỉ riêng bất động sản.
Ông dẫn chứng ở Singapore, nơi Chính phủ đang áp dụng biện pháp đánh thuế bất động sản để hạ nhiệt thị trường, do nguồn cung không đáp ứng lượng cầu nên giá bất động sản vẫn tăng.
"Thuế là biện pháp tốt, sẽ góp phần điều chỉnh thị trường nhưng theo tôi chỉ là giải pháp trong ngắn hạn 6-12 tháng hoặc 1-2 năm. Thị trường bất động sản Việt Nam phát triển rất lệch. Có đến 80% giao dịch diễn ra tại các trục chính là Hà Nội và TP.HCM, do đó biện pháp dài hạn phải là gia tăng nguồn cung", ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Liên quan tới đề xuất đánh thuế nhà và tài sản, đầu năm 2018, Bộ Tài chính từng đưa ra đề nghị xây dựng Luật thuế tài sản. Trong đó, Bộ này dự kiến đánh thuế đối với nhà, đất ở, tàu bay, du thuyền, ôtô có giá trị 1,5 tỷ đồng trở lên.
Tuy nhiên, đề xuất này sau đó đã vướng phải nhiều ý kiến trái chiều và không được đưa vào chương trình xây dựng Luật. Hầu hết chuyên gia cho rằng đề xuất này của Bộ Tài chính dường như chỉ hướng tới mục tiêu tăng thu ngân sách, thay vì chống đầu cơ nhà đất và điều tiết thị trường bất động sản.
Đánh thuế cao giá bất động sản chưa chắc giảm, đây mới là giải pháp hữu hiệu
Có ý kiến cho rằng, thuế chỉ là một biện pháp giúp ổn định thị trường trong ngắn hạn. Còn muốn hạ nhiệt đầu cơ và giảm giá bất động sản thì yếu tố cốt yếu của thị trường là phải tăng nguồn cung…
Theo zingnews.vn