Bộ trưởng Bộ Y tế: Thông tin cho nhập 65 tấn Salbutamol là không chính xác
Trong các phiên thảo luận về các vấn đề kinh tế xã hội, nhiều đại biểu đã đưa ra những bức xúc của cử tri về vấn đề an toàn thực phẩm có liên quan đến trách nhiệm của Bộ Y tế.
Nhiều mẫu thịt lợn đã phát hiện người chăn nuôi có sử dụng chất Salbutamol |
Trước các ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có phần trả lời về chất tạo nạc Salbutamol: “Các chất cấm và kháng sinh tồn dư không được phép ở trong các nông sản cũng như thịt gia súc, gia cầm như cloramphelicon hoặc Salbutamol, thực ra đây là những dược phẩm cần thiết nhập khẩu để điều trị cho người.
Quy trình về quản lý các dược phẩm này khá chặt chẽ từ nhập khẩu nguyên liệu, quy trình sản xuất, kinh doanh phân phối và sử dụng phải qua đơn. Trong quá trình sử dụng các nhà nhập khẩu đều phải báo cáo các hóa đơn xuất nhập khẩu và các hợp đồng.
Tuy nhiên, có thông tin thời gian vừa qua ngành y tế cho nhập khẩu khoảng 65 tấn Salbutamol, chúng tôi thấy không chính xác. Chúng tôi chỉ cho nhập 3,5 tấn”
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, khả năng thương lái hoặc doanh nghiệp mua các chất này ở hiệu thuốc để bỏ vỏ nghiền ra cho vào thức ăn gia cầm là khó, bởi lẽ quá trình quản lý chặt, giá thành để mua các thành phẩm đó rất cao.
Bộ trưởng nói: “Chúng tôi nghĩ nguyên nhân ở đây là người chăn nuôi muốn có lợi nhuận và đạo đức kinh doanh không được coi trọng, cho nên đã cho các chất cấm đó vào thức ăn của gia súc. Trong quá trình chúng tôi phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều tra đã phát hiện, thương lái ép người dân muốn thu mua giá thành cao nên phải cho các chất tạo nạc và các chất cấm đó để tăng năng suất”
Bộ trưởng Tiến cho rằng, không quản lý được vấn đề nhập lậu các chất này, sẽ tạo điều kiện cho các nhà chăn nuôi mua chúng cho vào thức ăn gia cầm. "Tôi nhất trí với các đại biểu là cần phải quản lý chặt. Chúng tôi đã, đang và sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành và địa phương để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa quy trình nhập khẩu, kinh doanh, sản xuất và cùng với thanh tra, đặc biệt là thực hiện theo Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm đến tận huyện, xã. Tiền phạt theo Nghị định xử phạt cho phép được huyện và xã giữ lại để thực hiện công tác thanh tra.
Chúng tôi sẽ báo cáo với đồng chí Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về an toàn thực phẩm, nghiên cứu để có thể nhân rộng ra một số địa phương về thí điểm này. Trong thời gian qua, mô hình quản lý còn khó khăn, mặc dù chúng ta đã ban hành luật, có nghị định thực hiện, có nghị định xử phạt và thông tư để phân công giữa các bộ, ngành, địa phương và có sự phối hợp chặt chẽ. Nhưng như các đại biểu đã nói, vấn đề quản lý an toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn là một chuỗi rất dài liên quan đến nhiều quá trình, từ nuôi trồng, chế biến, kinh doanh, sản xuất và cuối cùng là đến người dân sử dụng”
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện nay, đầu mối Bộ Y tế là quản lý nhà nước và Phó trưởng Ban thường trực. Tuy các bộ, ngành đã phối hợp nhưng mô hình quản lý thực thi còn khó khăn. Nếu không quản lý tốt sẽ ảnh hưởng đến vấn đề xuất khẩu và kinh tế, ảnh hưởng đến các thị trường nhập khẩu.