Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cao đối với xe sang
Trong Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 1 Luật số 70/2014/QH13 theo hướng giảm mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với dòng xe có dung tích xi lanh từ 2.000cm3 trở xuống; tăng thuế suất đối với các dòng xe có dung tích xi lanh từ 2.000cm3 trở lên.
Trong khi xe sang bị đề xuất tính thuế cao thì các dòng xe nhỏ lại được giảm thuế suất từ 15- 25%. Ảnh minh họa |
Đồng thời, giảm mức thuế suất đối với các dòng xe chở người từ 10 đến dưới 16 chỗ, từ 16 đến dưới 24 chỗ và điều chỉnh thuế suất đối với dòng xe vừa chở người, vừa chở hàng.
Bộ Tài chính đưa ra hai phương án đối với xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống như sau:
Phương án 1: Loại có dung tích xi lanh từ 1.000 cm3 trở xuống sẽ áp dụng thuế suất 20%, thời gian áp dụng từ 1/7/2016. Từ ngày 01/01/2018 áp dụng thuế suất 20%.
Loại có dung tích xi lanh trên 1.000 đến 1.500 cm3: áp dụng thuế suất 30% từ 1/7/2016. Sau đó giảm xuống còn 25% từ ngày 01/01/2018.
Phương án 2: Loại có dung tích xi lanh từ trên 1.000 cm3 đến 1.500 cm3, áp dụng thuế suất 30%; Loại có dung tích xi lanh trên 1.500 cm3 đến 2.000 cm3 áp dụng thuế suất 40% từ 1/7/2016. Đến 01/01/2018 áp dụng thuế suất 30%.
Loại có dung tích xilanh trên 2.000 cm3 đến 3.000 cm3 sẽ áp dụng thuế suất 55- 60% (tăng 5- 10%).
Loại có dung tích xi lanh từ trên 3.000 cm3, bao gồm cả mô- tô- hôm: Từ ngày 1/7/2016 áp dụng thuế suất 75% (tăng 15% so với hiện hành), từ ngày 01/01/2018 áp dụng thuế suất 70% (tăng 10% so với hiện hành).
Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng, Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô nhằm giúp người dân có thu nhập trung bình được hưởng lợi từ mua sắm ô tô và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. Phương án điều chỉnh theo nguyên tắc phân chia thành các nhóm nhỏ hơn tại quy định tại Luật thuế TTĐB hiện hành.
Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi thuế suất TTĐB đối với ô tô đảm bảo tính đồng bộ với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, khuyến khích việc sản xuất và tiêu thụ dòng xe cá nhân, kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng phù hợp với hạ tầng giao thông và thu nhập của người dân.
Đồng thời không khuyến khích việc sản xuất và tiêu thụ các dòng xe tiêu hao nhiên liệu, kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và thu nhập của người dân, lượng khí thải ra môi trường lớn.
Về tác động đối với thất thu ngân sách: trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xe ô tô (chịu thuế TTĐB) năm 2014 khoảng 126.135 xe (nhập khẩu 43.770 xe; sản xuất trong nước 82.365 xe), giá bán xe ô tô bằng giá bán năm 2014, nếu áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB như trong Dự thảo dự kiến sẽ làm thất thu ngân sách từ thuế TTĐB khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên đây là số giảm thu ước tính trong điều kiện các nhân tố khác không thay đổi.
Nếu cân nhắc thêm các yếu tố khác như ảnh hưởng gia tăng sức mua do giá xe giảm khi thuế TTĐB giảm, tỷ giá, gia tăng nhu cầu sử dụng ô tô thì số giảm thu ngân sách nhà nước sẽ thấp hơn 1.200 tỷ đồng.
Trước đánh giá tác động của Bộ Tài chính, Bà Đặng Thị Bình An, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn thuế C&A cho rằng nên xem xét sử dụng phương án 2, do cơ sở hạ tầng Việt Nam còn khó khăn và việc cắt giảm thuế nhập khẩu làm ảnh hưởng đến thất thu ngân sách.