Bộ sưu tập súng thần công ở Bảo tàng Đà Nẵng: Đề nghị công nhận bảo vật quốc gia
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho hay, bộ sưu tập 11 khẩu súng thần công thành Điện Hải của Bảo tàng Đà Nẵng đều cùng được đúc và sử dụng trong khoảng đầu thời Nguyễn, giai đoạn 1802 - 1860 (thế kỷ XIX); được phát hiện dưới lòng đất thuộc di tích Thành Điện Hải và ở khu vực bên ngoài rất gần thành Điện Hải trong những năm 1979, 1991, 1993, 1997, 2005, 2007 và 2008.
Bộ sưu tập hiện vật súng thần công Thành Điện Hải đang lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng... (Ảnh: HC) |
11 khẩu súng thần công này được đúc bằng chất liệu gang - sắt, còn nguyên hình dáng, trong đó có 07 khẩu phát hiện trong khuôn viên Thành Điện Hải, 03 khẩu phát hiện cách di tích Thành Điện Hải khoảng 200m, 01 khẩu phát hiện ở cửa biển Đà Nẵng (nay là Vùng 3 Hải quân), bên hữu ngạn sông Hàn (Thành An Hải thời Nguyễn).
“Bộ sưu tập 11 khẩu súng thần công thành Điện Hải của Bảo tàng Đà Nẵng đều còn nguyên hình dáng, các ký tự trên súng bị hoen rỉ, không đọc được nhưng đã được Bảo tàng xử lý bảo quản theo quy trình. 9 khẩu súng lớn hiện được trưng bày ngoài sân, 2 khẩu nhỏ hơn trưng bày ở phòng trưng bày chuyên đề “Nhân dân Đà Nẵng đi đầu trong cuộc chiến chống Liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược Đà Nẵng (1858 - 1860)” trong khuôn viên Bảo tàng Đà Nẵng (chính là nền cũ tòa thành Điện Hải thời Nguyễn)” – ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho hay.
Theo ông, lý do lựa chọn, đề nghị công nhận bộ sưu tập 11 khẩu súng thần công thành Điện Hải của Bảo tàng Đà Nẵng là bảo vật quốc gia vì đáp ứng 03 tiêu chí về bảo vật quốc gia theo quy định của Bộ VH-TT-DL. Theo đó, tiêu chí 1, bộ sưu tập này là những hiện vật gốc, độc bản, được triều đình nhà Nguyễn đúc và trang bị cho hệ thống phòng thủ ven biển ở Đà Nẵng, trong đó có Thành Điện Hải; đồng thời trực tiếp tham gia cùng với quân và dân Đà Nẵng chiến đấu chống lại Liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược Đà Nẵng từ năm 1858 - 1860.
gắn liền với cuộc chiến đấu của quân và dân Đà Nẵng dưới sự chỉ huy của danh tướng Nguyễn Tri Phương chống lại đội quân xâm lược Pháp - Tây Ban Nha (1858 - 1860) (Ảnh: HC) |
Tiêu chí 2 là hiện vật có hình thức độc đáo. Bộ sưu tập 11 khẩu súng thần công Thành Điện Hải do Bảo tàng Đà Nẵng lưu giữ, bảo quản và trưng bày nhiều năm nay là một bộ sưu tập có giá trị lịch sử, văn hóa cao. Trước hết, đây không phải là những tập hợp súng thần công được nhân cách hóa thành các vị thần tướng tượng trưng cho uy quyền và sức mạnh của vương triều Nguyễn như bộ Cửu vị thần công ở Huế hay như bộ Tam vị thần công ở Hà Tĩnh - số lượng chín hay ba ở đây cố định và mang tính tượng trưng, không thể sưu tập thêm khẩu thứ mười hay khẩu thứ tư.
Trong khi đó, sức hấp dẫn của Bộ sưu tập súng thần công Thành Điện Hải - số lượng chắc chắn không dừng ở con số 11 – là những khẩu thần công này đều tham gia vào công cuộc phòng thủ đất nước thời Nguyễn và hơn thế nữa đều sử dụng thực tế nhằm tạo hỏa lực mạnh trong “cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải” vào các năm từ 1858 - 1860.
Các khẩu súng trong Bộ sưu tập súng thần công Thành Điện Hải tuy phần nào bị hủy hoại qua thời gian, nhiều ký tự không còn đọc được nữa, nhưng đều là những hiện vật gốc được triều đình Huế trực tiếp trang bị cho các pháo đài phòng thủ, chủ yếu là ở đài/thành Điện Hải, ở cửa Hàn từ đầu triều Nguyễn cho đến khi kết thúc cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858.
Chủ trương đầu tư trang bị vũ khí hiện đại tương thích với thành lũy kiểu Vauban cho các pháo đài phòng thủ ở cửa biển ngoại giao duy nhất của đất nước đương thời đã được ghi rõ trong một số bộ sách lịch sử/địa lý chính thức của triều đình Huế như Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam nhất thống chí… cũng như trong nhật ký chiến trường của một số sĩ quan đối phương. Các địa điểm khai quật khảo cổ/phát lộ hiện vật liên quan đến bộ sưu tập súng thần công Thành Điện Hải cũng góp phần khẳng định tính nguyên gốc và niên đại thống nhất của các khẩu súng này.
Du khách vào tham quan Bảo tàng Đà Nẵng, nơi trưng bày bộ sưu tập 11 khẩu súng thần công đang được đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia (Ảnh: HC) |
Đương nhiên không phải súng thần công nào bố trí ở các pháo đài phòng thủ của đất nước cũng đều trở thành “lính chiến” giữa khói lửa chiến trường, nhưng với những khẩu súng trong Bộ sưu tập súng thần công thành Điện Hải của Bảo tàng Đà Nẵng đều trực tiếp xông pha trận mạc, đều sử dụng tối đa nhằm tạo hỏa lực mạnh để chống lại ba lần tiến công của Liên quân Pháp - Tây Ban Nha vào Thành Điện Hải nói riêng và vào tuyến phòng thủ Điện Hải - Ngự Hải - An Hải nói chung. Trong mấy ngàn nghĩa sĩ đã hy sinh ở Đà Nẵng trong cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858, có không ít người đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh bên cạnh các khẩu súng trong Bộ sưu tập súng thần công Thành Điện Hải này.
Tiêu chí 3, Bộ sưu tập hiện vật súng thần công thành Điện Hải có giá trị đặc biệt vì liên quan đến sự kiện lịch sử của đất nước, gắn liền với di tích lịch sử cấp quốc gia Thành Điện Hải. Đây là địa điểm chứng kiến cuộc đụng đầu lịch sử đầu tiên giữa Liên quân Pháp - Tây Ban Nha với quân và dân Đà Nẵng dưới sự chỉ huy của các vị tướng Đào Trí, Lê Đình Lý và Nguyễn Tri Phương. Trải qua nhiều thăng trầm và gắn liền với sự kiện trận đầu đánh liên quân Pháp - Tây Ban Nha, Thành Điện Hải đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 16/11/1988.
“Bộ sưu tập súng thần công Thành Điện Hải của Bảo tàng Đà Nẵng là những hiện vật mang giá trị lịch sử tiêu biểu gắn liền với di tích Thành Điện Hải - một trong những pháo đài cổ có vị trí quan trọng hàng đầu ở Việt Nam vào thế kỷ XIX. Đồng thời là những khẩu thần công đã trực tiếp tham gia chiến đấu và góp phần vào thắng lợi của quân và dân Đà Nẵng chống lại đội quân xâm lược Pháp - Tây Ban Nha (1858 - 1860). Do đó, bộ sưu tập này xứng đáng đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét công nhận là Bảo vật quốc gia để Bảo tàng Đà Nẵng phát huy hơn nữa những giá trị lịch sử to lớn trong việc giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau” – ông Huỳnh Đình Quốc Thiện nói.