"Bỏ quên" người khuyết tật khi đầu tư công trình công cộng
Tiếp xúc cử tri khuyết tật tại TP.HCM - Ảnh Duy Nguyên |
Cử tri Phan Nhật Trung cho rằng, Sở Xây dựng cần quy định việc thiết kế, xây dựng các công trình công cộng phù hợp với người khuyết tật. Người khuyết tật đi lại rất khó khăn, khi tìm việc, điều họ quan tâm trước tiên không phải là doanh nghiệp, chỗ làm như thế nào, mà vị trí làm việc có phù hợp với sự đi lại của họ hay không.
Ngoài ra, người khuyết tật cũng phải đến UBND quận, huyện, phường, xã để làm một số thủ tục, giấy tờ bắt buộc mà không thể nhờ ai thay thế. “Tại UBND một phường ở quận 8, họ làm rất hay. Ngoài bậc tam cấp dành cho người bình thường thì sát bên phải cửa vào, có lối đi cho người khuyết tật. Họ có thể vịn thanh dọc để đi lên hoặc lăn xe lăn”, anh Trung chia sẻ.
Đối với các công trình hiện hữu không có thiết kế dành cho người khuyết tật, anh Trung đề nghị, có thể sửa đổi mà không hề tốn kém nhiều chi phí. Chẳng hạn như công trình, bưu điện trung tâm thành phố, chỉ cần thiết kế tay vịn từ dưới lên bậc thang cao nhất là có thể hỗ trợ việc đi lại cho người khuyết tật.
Cử tri Nguyễn Đức Quyền cho hay, các con đường trên địa bàn TP.HCM phần lớn không có lối cho người khuyết tật lên lề, khiến người tàn tật bán vé số đi xe tay lắc phải đi dưới lòng đường rất nguy hiểm. Đề nghị thành phố xem xét thiết kế lối đi cho người tàn tật.
Một số vấn đề khác như: Miễn giảm vé tàu, xe, vé khu vui chơi, giải trí, vé xe buýt, cần được giám sát thực hiện chặt chẽ để đảm bảo người khuyết tật được hưởng quyền lợi dành cho mình.
Cử tri Nguyễn Thị Dịu Linh (quận 7) cho hay, trong khi không thể điều khiển xe máy thì xe buýt là phương tiện đi lại thông dụng của người khuyết tật. Nhưng TP.HCM chỉ mới có một vài tuyến xe buýt bố trí xe sàn thấp dành cho người khuyết tật, còn hầu hết là xe sàn cao. Ngay cả xe có thiết kế cho người khuyết tật thì người khuyết tật cũng không được ưu tiên.
“Tôi vừa bước lên xe, chưa ngồi vào chỗ là xe đã phóng nhanh khiến tôi ngã nhào. Mà nhiều lần lắm chứ không phải một hai lần. Nhiều lúc thấy tôi tàn tật, các tài xế còn không đón nữa kìa”, chị Linh bức xúc.
Người khuyết tật thường bị xe buýt từ chối - Ảnh IT |
Một số cử tri khác cũng cho biết, muốn đón được xe buýt là phải đi cùng với một người bình thường khác. Khi họ đón xe thì lên cùng hoặc nhờ họ đón xe buýt giúp.
“Thẻ xe buýt miễn phí cho người khuyết tật mà thành phố cấp là đã có trả tiền cho nhà xe chứ đâu phải chúng tôi đi nhờ. Việc này cũng đã nói đi nói lại rất nhiều lần. Đã vậy, thay vì cấp thẻ, thành phố xem xét cấp luôn cho chúng tôi tiền đi xe buýt mỗi tháng 100.000 đồng chẳng hạn. Sòng phẳng như vậy để nhà xe không còn kỳ thị với người khuyết tật nữa”, cử tri Trần Kỷ (quận Gò Vấp) kiến nghị.
Các cử tri cũng quan tâm đến vấn đề chính sách hỗ trợ cho con cái người tàn tật. Hiện nay, con của người khuyết tật đi học đa số không được miễn giảm học phí, trong khi đời sống của họ hết sức khó khăn. Cử tri Đồng Thị Bích Ngà, giáo viên Trường THPT Tây Thạnh đã chứng kiến nhiều trường hợp các học sinh là con người tàn tật phải nghỉ học vì “ba mẹ con chỉ đủ tiền cho con ăn chứ không có tiền cho con đi học đâu cô!”.
“Khi xin miễn giảm học phí thì con người khuyết tật tại TP.HCM được giảm, còn con người khuyết tật nhập cư, tạm trú lại không được giảm. Điều này thật bất công. Còn nếu gia đình có hai con đi học thì cũng chỉ giảm được một học sinh”, cô Bích Ngà nói.
Ngoài ra, để ổn định đời sống cho người khuyết tật, nhiều cử tri kiến nghị nâng cao chất lượng đào tạo nghề, bố trí việc làm cho người khuyết tật.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, các chính sách hỗ trợ người khuyết tật đã được quy định nhưng chưa được triển khai thực hiện đầy đủ là do khuyết điểm của lãnh đạo thành phố, chưa chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, giám sát, để sinh ra thiếu sót.
Đoàn đại biểu Quốc hội ghi nhận và tổng hợp các ý kiến kiến nghị của cử tri để trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới diễn ra từ ngày 22/10 – 24/11/2012, nhằm có những chính sách chăm lo tốt hơn đời sống của người khuyết tật.