"Bồ nhí" Dương Chí Dũng kháng cáo việc kê biên ngôi nhà đang ở
Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn. Theo dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 3 ngày từ 22 – 24/4. Tại phiên tòa này có 16 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, 25 cơ quan báo chí tham dự, đưa tin về phiên tòa. Bị cáo Dương Chí Dũng có 3 luật sư tham gia bào chữa gồm: luật sư Trần Đại Thắng, luật sư Ngô Ngọc Thủy, luật sư Trần Đình Triển. Bị cáo Mai Văn Phúc có 2 luật sư bào chữa.
Bị cáo Dương Chí Dũng bị Tòa sơ thẩm tuyên án tử hình. |
Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, HĐXX đã nhận được đơn kháng cáo của bà Phan Thị Thảo người được coi là “bồ nhí” của Dương Chí Dũng về việc Tòa sơ thẩm đã kê biên ngôi nhà bà này đang ở vì cho rằng có một phần tiền của mình trong đó. Theo Tòa sơ thẩm ngôi nhà này do Dương Chí Dũng dùng tiền tham ô để mua.
Ngoài ra, sau phiên tòa sơ thẩm, bà Ngô Thị Vân (vợ Mai Văn Phúc); bà Phạm Thị Mai Phương (vợ Dương Chí Dũng) đều làm đơn kháng cáo về việc tòa sơ thẩm đã kê biên các ngôi nhà và cho rằng trong các ngôi nhà này đều có 1 phần tiền của họ.
Tại tòa, luật sư Trần Đình Triển đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập nhân chứng tại Nga và nhân chứng của Công ty AP (Singapore) để làm rõ hành vi của Trần Hải Sơn trong việc nhận 1,66 triệu USD mua ụ nổi 83M và nhân chứng là lái xe của Trần Hải Sơn.
9h10' Tòa tạm nghỉ để hội ý.
Sau 5 phút hội ý, HĐXX đã xem xét đề nghị của luật sư Trần Đình Triển. HĐXX xét thấy luật sư đã có hồ sơ liên quan đến vụ án đầy đủ nên trong quá trình xét xử Tòa sẽ xem xét đến tài liệu này. Còn việc luật sư Triển đề nghị triệu tập đến lái xe của Trần Hải Sơn, HĐXX xét thấy lời khai của lái xe đã đầy đủ tại cơ quan điều tra nên không triệu tập.
9h20’, Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Văn Sơn đọc bản án sơ thẩm.
Theo bản án sơ thẩm, việc triển khai mua ụ nổi của bị cáo Dương Chí Dũng và đồng phạm chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian Vinalines tiến hành triển khai dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam. Từ đầu năm 2007 đến hết năm 2009 Vinalines tiến hành khảo sát, thương thảo, quyết định phương án mua ký hợp đồng thanh toán tiền, nhập khẩu ụ nổi 83M với Công ty AP (Singapore).
Quá trình triển khai dự án, Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines; Trần Hữu Chiều, Phó tổng giám đốc Vinalines; Bùi Thị Bích Loan, nguyên Kế toán trưởng Vinalines; Mai Văn Khang, nguyên thành viên Ban quản lý dự án Vinalines; Trần Hải Sơn, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines; Lê Văn Dương, Đăng kiểm viên, Cục Đăng kiểm Việt Nam; Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện và Lê Văn Lừng, nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa đã không thực hiện theo quy định của Nhà nước, cố ý làm trái gây thiệt hại cho nhà nước gần 367 tỷ đồng.
Thông qua việc mua ụ nổi 83M trái quy định của Nhà nước, sau khi thanh toán 9 triệu USD cho Công ty AP (Singapore), Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn và Trần Hữu Chiều đã tham ô 1,66 triệu USD (hơn 28 tỷ đồng) là số tiền mua ụ nổi 83M đã thanh toán, được Công ty AP chuyển lại Việt Nam.
Cụ thể Dũng nhận 10 tỷ đồng, Phúc 10 tỷ đồng, Chiều 340 triệu đồng và Sơn 7,8 tỷ đồng (trong đó Sơn cho em gái Trần Thị Hải Hà 2 tỷ đồng, còn lại 5,8 tỷ đồng Sơn giữ lại chi tiêu cá nhân). Như vậy, hành vi của các bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn và Trần Hữu Chiều đã phạm vào tội Tham ô tài sản theo Điều 278 Bộ luật Hình sự.
Hành vi của các bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều, Bùi Thị Bích Loan, Mai Văn Khang, Lê Văn Dương, Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng và Lê Ngọc Triện đã phạm vào tội Cố ý làm trái theo quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gậy hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự.
Theo bản án sơ thẩm, trong vụ án này, Dương Chí Dũng được xác định là chủ mưu trong việc mua ụ nổi 83M gây thiệt hại 367 tỉ đồng và tham ô 1,67 triệu USD.
Đối với Dương Chí Dũng sau khi biết bị khởi tố, đã trốn ra nước ngoài và bị bắt sau đó. Hành vi này thể hiện sự trốn tránh trách nhiệm và gây khó khăn cho công tác điều tra….
Tòa sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Dương Chí Dũng (SN 1957, quê Hải Dương), nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải): tử hình.
Bị cáo Mai Văn Phúc (SN 1957, quê Hải Phòng), nguyên Tổng Giám đốc Vinalines, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT): tử hình.
Bị cáo Trần Hải Sơn (SN 1960, quê Hải Phòng), nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines: 22 năm tù giam.
Bị cáo Trần Hữu Chiều (SN 1963, quê Hà Nam), nguyên Phó Tổng giám đốc Vinalines: 19 năm tù giam.
Bị cáo Bùi Thị Bích Loan (SN 1960, quê Hải Phòng), nguyên Kế toán trưởng Vinalines: 4 năm tù giam.
Bị cáo Mai Văn Khang (SN 1959, quê Nghệ An), nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam: 7 năm tù.
Bị cáo Lê Văn Dương (SN 1971, quê Hà Nam), Đăng kiểm viên, Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam: 7 năm tù giam.
Bị cáo Huỳnh Hữu Đức (SN 1965, quê Khánh Hòa), nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, nguyên Phó Chánh văn phòng Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa: 8 năm tù giam.
Bị cáo Lê Ngọc Triện (SN 1964, quê Phú Yên), Đội trưởng Đội Nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa: 8 năm tù giam.
Bị cáo Lê Văn Lừng (SN 1959, quê Thanh Hóa), Cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa: 8 năm tù giam.
Về trách nhiệm dân sự, buộc các bị cáo phải bồi thường cho Nhà nước gần 367 tỷ đồng. Kê biên 3 ngôi nhà của bị cáo Dương Chí Dũng tại Hà Nội; kê biên 1 ngôi nhà tại Quảng Ninh của bị cáo Mai Văn Phúc.