Bộ luật Hình sự sai sót: 7 triệu ý kiến của người dân được tiếp thu thế nào?
Sáng nay, Quốc hội đã xem xét Tờ trình về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Một nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận đó là sai sót của Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Là người đầu tiên phát biểu ý kiến về những sai sót của Bộ Luật Hình sự, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho biết, Bộ Luật Hình sự sau khi phát hiện sai sót, Quốc hội đã bổ sung dự án Luật sửa đổi và bổ sung Bộ Luật Hình sự vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2016 và trình Quốc hội ở kỳ họp thứ 2.
Từ sai sót của Bộ Luật Hình sự năm 2015, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, cần xem xét và rút kinh nghiệm trong xây dựng luật. Cụ thể là cần rút kinh nghiệm về cách thức làm luật tại Quốc hội để làm sao huy được trí tuệ của tất cả ĐBQH.
![]() |
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương thảo luận tại hội trường. |
Theo vị đại biểu tỉnh Ninh Thuận này, thực tế, nếu ĐBQH nào đó không phải là ủy viên chủ trì của Ủy ban thẩm tra luật đó thì rất ít cơ hội được tham gia ý kiến vì nhiều hoạt động liên quan đến thẩm tra thì không được tham dự. Ngay đại biểu chuyên trách ở Trung ương cũng ít được tham gia luật này.
“Thường khi thẩm tra sơ bộ, chính thức hay tổ chức hội nghị có ý kiến liên quan đến dự án luật, ủy ban chủ trì cũng có mời đại diện của các ủy ban. Tuy nhiên, nếu chỉ mời đại diện thì có khi đồng chí đó bận, hoặc không quan tâm đến dự án luật đó thì cũng bằng không; trong khi đó rất nhiều đại biểu khác có tâm huyết, ý kiến để tham gia thì không được tham gia”, ông Cương cho biết.
Theo ông Cương, ngay việc gửi tài liệu cho ĐBQH cũng vậy. Theo quy định, tài liệu phải gửi cho đại biểu trước 20 ngày khi diễn ra kỳ họp nhưng thường đến kỳ họp tài liệu mới có, thậm chí là vào họp rồi gần đến ngày thảo luận mới nhận được nên thời gian đâu để tham gia.
Cùng quan điểm, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, công tác xây dựng pháp luật trong thời gian qua có kết quả đáng kể. Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật mới, tuy nhiên, hoạt động xây dựng pháp luật còn nhiều hạn chế, thậm chí có sự cố lớn xảy ra khiến cử tri và nhân dân hết sức băn khoăn, thiếu sự tin tưởng vào chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật.
Theo ông Nhưỡng, trên thực tế, các văn bản ra đời nhưng tính thực thi không cao, luật chuẩn bị công phu nhưng lợi ích mang lại không lớn, thậm chí gây vướng mắc cho người thực thi.
Ông Nhưỡng đề nghị quá trình xây dựng pháp luật cần rà soát kỹ các vấn đề cần xây dựng luật, quan tâm nhiều đến phát triển kinh tế và đảm bảo quyền con người.
“Các cơ quan cần có biện pháp nâng cao trình độ của đội ngũ pháp chế, đội ngũ xây dựng luật, thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình ra Chính phủ, trình ra UBTVQH và trình Quốc hội xem xét, thông qua”, ông Nhưỡng nói.
Ngoài ra, vị ĐBQH tỉnh Bến Tre cũng cho rằng, cần đổi mới cách thức tiến hành để nêu sáng kiến và soạn thảo, lấy ý kiến về dự thảo cần chi tiết, tránh tình trạng hướng người cho ý kiến vào những vấn đề trọng tâm lại tập trung xin ý kiến chứ không quan tâm các vấn đề khác.
Theo ông Nhưỡng, Quốc hội cần chủ động yêu cầu Chính phủ và các cơ quan làm luật xem xét các ý kiến góp ý. Ví dụ như Bộ luật Hình sự đưa ra có 7 triệu ý kiến tham gia, vậy chúng ta xem xét, tiếp thu những ý kiến nào trong 7 triệu ý kiến đó?.
“Cần xác định tính chất, mức độ và quy mô của văn bản pháp luật để xác định thời gian, thời hạn, lộ trình tiến hành cho công tác soạn thảo và tham gia. QH hoàn toàn có thẩm quyền họp bất thường để xem xét 1 đạo luật nếu thấy đó là vấn đề quan trọng. Tôi đề nghị cần quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Lâu nay chúng ta chưa quy định rõ trách nhiệm trong quá trình này”, ông Nhưỡng nêu quan điểm.