Bloomberg: Mỹ có thể lặp lại thất bại của TT Reagan vì Nord Stream 2
Công nhân xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Ảnh Ria) |
Bloomberg dẫn nguồn chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu năng lượng Oxford - Jonathan Stern cho biết, với việc không quyết đoán trong nỗ lực ngăn chặn xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đang gợi nhớ đến thất bại của cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan trong một sáng kiến tương tự vào đầu những năm 1980.
Theo Bloomberg, trong khi Thượng viện Quốc hội Hoa Kỳ chưa bỏ phiếu về dự luật trừng phạt chống lại việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt của Nga, Dòng chảy phương Bắc 2 gần như đã sẵn sàng và được hoàn thành theo kế hoạch trong năm nay.
Bloomberg nhắc lại rằng trong kỷ nguyên của cựu Tổng thống Reagan, Hoa Kỳ cũng đã cố gắng hạn chế xuất khẩu khí đốt của Liên Xô sang châu Âu, nhưng hành động của họ đã không thành công.
“Tôi nghĩ rằng, hiện nay một kết quả tương tự có thể xảy ra. Đã quá muộn cho tất cả những trừng phạt, vì hầu hết các tuyến đường ống của dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã được lắp đặt”, ông Stern nói.
Trước đó, tờ Junge Welt của Đức ngày 9/8 đưa tin, Hoa Kỳ đã tìm ra cho Liên minh châu Âu (EU) phương án mới thay thế cho dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).
Theo tờ báo, hiện nay, chính quyền Mỹ muốn dùng dự án đường ống dẫn khí đốt EastMed (Eastern Mediterranean Pipeline Projeсt - Dự án Đường ống Đông Địa Trung Hải) để đối trọng với Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.
Dự án đường ống dẫn khí đốt EastMed được lên kế hoạch đặt từ Đông Địa Trung Hải đến Italy thông qua lãnh thổ của Hy Lạp.
Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 |
Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa Tập đoàn Gazprom của Nga với 5 công ty của châu Âu. Khi hoàn thành (dự kiến cuối năm 2019), các đường ống này hàng năm sẽ chuyên chở 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga tới các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua Biển Baltic đến Đức, không đi qua lãnh thổ Ukraine.
Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ đi qua các vùng lãnh thổ và đặc quyền kinh tế của các quốc gia nằm ngoài khơi bờ biển Baltic - Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.
Nhiều quốc gia phản đối dự án này, trong đó có Ukraine do sợ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga, cũng như nếu giảm khối lượng khí trung chuyển qua hệ thống vận chuyển khí đốt Ukraine (GTS) có thể dẫn đến hậu quả một số lượng lớn người tiêu dùng Ukraine không có khí đốt, và Mỹ với kế hoạch xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu đầy tham vọng.
Ba Lan, Litva, Latvia… và các nước khác trong khu vực, vốn phụ thuộc vào khí đốt của Nga, đã phản đối mạnh mẽ dự án. Theo lập luận của các nước này, dự án của Đức và Nga là dự án chính trị, đi ngược lại với chính sách của châu Âu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như đem đến "những tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị cho châu Âu".