Bình Định: Phổ biến pháp luật an toàn Hàng hải cho bà con ngư dân
Quảng cảnh Hội nghị tuyên truyền pháp luật An toàn Hàng hải tại Quy Nhơn ngày 27/11 |
Cũng tại Hội nghị, Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Khu vực 4 và Khu vực 2, Đài thông tin Duyên hải Quy Nhơn (Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam) đã hướng dẫn nghiệp vụ thông tin liên lạc trên biển (Giới thiệu về thông tin liên lạc trên biển và hệ thống Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam; Giả định tình huống cấp cứu; Hướng dẫn liên lạc khi gặp sự cố; Hướng dẫn thu, nhận thông tin an toàn hàng hải) cho bà con ngư dân, cũng như giải đáp những thắc mắc của các ngư dân liên quan đến công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển…
Ông Trần Ngọc Trung – Phó Giám đốc Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Khu vực 4 cho biết các vụ tai nạn xảy ra thời gian qua liên quan đến tàu cá là chính. Theo ông Trung, ngoài một số trường hợp người này ghi tên học khóa đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá, nhưng người khác học thay, trình độ học vấn và ý thức về an toàn hàng hải của bà con ngư dân cũng còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, hoạt động tổ chức công tác TKCN gặp khó khăn do phương tiện mỏng… Cơ chế phối hợp điều hành công tác TKCN đã có quy định, nhưng vận dụng lại gặp không ít khó khăn.
Cấp phát áo phao cho các ngư dân tham dự hội nghị |
Khi xảy ra sự cố trong vùng quản lý thực hiện “4 tại chỗ”, nhưng lực lượng phương tiện mỏng, khi đề nghị phối hợp thì thường lấy lý do kinh doanh. Chẳng hạn, nhà máy đóng tàu có các tàu lai, nhưng khi Trung tâm đề nghị phối hợp thì họ thường lấy lý do kinh doanh... Trung tâm không có quyền điều động mà chỉ đề nghị yêu cầu phối hợp…, nên có khi không kịp thời. Hệ thống thông tin cứu nạn và công tác cứu hộ hộ cứu nạn cũng đã có quy định, các địa phương cần phải vận dụng linh hoạt và kịp thời hơn.
Đồng thời, phải thường xuyên tuyên truyền pháp luật an toàn hàng hải cho bà con ngư dân để góp phần giảm thiểu tai nạn tàu cá trên biển. Bên cạnh đó, cần phải có cơ chế để tuyên truyền cho hiệu quả và chất lượng, bởi vì có địa phương, mời 180 ngư dân đến tuyên truyền, nhưng chỉ đến 80 người, sau khi nhận tài liệu tuyên truyền một lúc, còn lại chưa đầy 40 người.
Ông Trần Văn Nam - Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Khu vực 2 đề nghị bà con ngư dân mạnh dạn đặt câu hỏi về những gì còn chưa rõ, để được ngành chức năng giải đáp, nhằm góp phần phòng tránh và giảm thiểu tai nạn đáng tiếc đối với tàu cá, cũng như khi gặp sự cố trên biển được cứu hộ cứu nạn kịp thời. “Khi gặp sự cố trên biển, các tàu cá hãy gọi trực tiếp cho các Trung tâm theo số điện thoại đã được cung cấp, gần bờ thì gọi cho các Đồn Biên phòng ven biển”- ông Trần Văn Nam nói, đồng thời nhấn mạnh: Khi tàu cá hoạt động trên biển vào ban đêm phải có đèn, để các tàu hàng nhìn thấy. Đồng thời, tàu cá phải tập trung cảnh giới để tránh bị đâm phải. Lưu ý đề phòng khi làm việc dưới tàu có cần cẩu, phòng tránh cháy nổ bình ga, đặc biệt khi hoạt động trên biển xảy ra ngộ độc cá nóc, đau ruột thừa… phải gọi ngay để được hỗ trợ kịp thời.
Rất phấn khởi khi được cấp phát áo phao cứu sinh |
Theo Phòng An ninh An toàn Hàng hải – Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, trong năm 2012, đã xảy ra 34 vụ tai nạn hàng hải, làm 12 người chết và mất tích, 4 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2011, giảm 26 vụ (34/60) và giảm 32 người chết và mất tích (12/44); tăng 2 người bị thương (4/2); đồng thời làm 15 phương tiện thủy bị chìm đắm, gồm: 8 tàu hàng, 1 tàu kéo, 3 sà lan và 3 tàu cá. So với năm 2011, giảm 9 phương tiện thủy bị chìm đắm, gồm: 2 tàu biển, 1 tàu kéo, 10 phương tiện thủy nội địa, 9 tàu cá và 1 ghe gỗ. Trong tổng số 34 vụ tai nạn, có 19 vụ xảy ra ngoài biển, 15 vụ xảy ra trong vùng nước cảng biển, trong đó có 8 vụ tai nạn liên quan đến Hoa tiêu hàng hải. Tính đến ngày 15/10/2013, tai nạn hàng hải giảm 8 vụ (18/26 vụ) so với cùng kỳ năm 2012; số người chết và mất tích tăng 6 người (18/12 người), số người bị thương giảm 4 người (0/4).
Hướng dẫn các ngư dân mặc áo phao |
Dưới đây là một số vụ tai nạn hàng hải liên quan đến tàu cá:
Khoảng 4h30 sáng 24/10, tàu Đại Lộc 36 thuộc Công ty CP Thương mại dịch vụ vận tải biển Minh Tuấn (Thanh Hóa) đâm va với tàu cá BĐ 96443 TS tại vị trí có tọa độ 15,160 Bắc - 108,570 Đông, cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 02 hải lý về hướng Đông Bắc. Vụ tai nạn đã khiến cả 7 ngư dân trên tàu cá BĐ 96443 TS bị rơi xuống biển. Ngay sau đó, tàu Đại Lộc 36 đã hỗ trợ, cứu an toàn được 03 ngư dân, 04 ngư dân mất tích.
Ngày 05/4/2013, tàu An Trung Việt 25 trọng tải 901 DWT hành trình từ cảng YangFu về cảng Phúc Lộc Ninh Bình. Khi hành trình đến tọa độ 19o49'130 N, 106o26'150E thì tàu An Trung Việt 25 đâm va với tàu cá TH 2607 TS. Vụ tai nạn đã làm chiếc tàu cá bị chìm tại chỗ cùng với toàn bộ ngư cụ, 09 người làm việc trên tàu cá đã được tàu An Trung Việt 25 cứu nạn an toàn.
Ngày 1/5/2013 Tàu Phú Sơn 10 đã đâm va với tàu cá TH 90153 TS tại vị trí có tọa độ 19o31' N, 107o23' E, làm tàu cá bị chìm, toàn bộ thuyền viên trên tàu cá TH 90153 TS được cứu vớt. Lúc 3h ngày 9/5/2013, tàu QNg 0207 bị tàu hàng lạ đâm va, làm chìm tàu trên đường hành trình từ đảo Lý Sơn đi Cổ Lũy.
Đêm 11/7, trong khi đang đánh bắt thủy sản tại vùng biển thuộc tỉnh Bình Định, tàu cá PY- 94442 bất ngờ bị tàu vận tải Thiên Anh 08 (Hải Phòng) tông vào mạn trái, làm vỡ mạn trái, nước tràn vào boong tàu. Thuyền trưởng cùng 7 thuyền viên trên tàu cá được các tàu khác cứu vớt an toàn. Khoảng 2h16 ngày 16/9/2013, tại vị trí có tọa độ khoảng 09025’6 N; 107012’7 E (vị trí cách mũi Vũng Tàu khoảng 53 hải lý về phía Nam Đông Nam) đã xảy ra vụ tai nạn hàng hải giữa tàu Sima Sapphire (quốc tịch Singapore) và tàu cá TG 92819 TS. Vụ tai nạn này đã làm 8 người chết và mất tích, tàu cá bị chìm.