“Biến” trạm y tế thành bác sĩ gia đình: Vẫn cơ chế cũ sẽ không thành công!
Nhân rộng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình |
Người dân được lợi gì?
Theo báo cáo của ông Trần Quý Tường – Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, tính đến tháng 12/2015 đã thành lập được 240 phòng khám BSGĐ tại 8 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, vượt chỉ tiêu đề ra (80) và đến tháng 6/2016 đã thành lập được 332 phòng khám bác sĩ gia đình.
Dù mới thực hiện được 3 năm nhưng mô hình bác sĩ gia đình đã mang lại nhiều lợi ích trông thấy. Các phòng khám bác sĩ gia đình thực hiện khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám sàng lọc; bước đầu quản lý sức khỏe cho các cá nhân, gia đình và cộng đồng, hướng tới quản lý toàn diện và liên tục. Tại các phòng khám bác sĩ gia đình, người dân được tư vấn chu đáo, hướng dẫn tận tình.
Nhờ có mô hình này mà người dân tiếp cận với bác sĩ gia đình thuận lợi, dễ dàng nhất, được theo dõi, chăm sóc sức khỏe liên tục kể cả khi không bị bệnh, như là bác sĩ riêng của gia đình, chi phí khám thấp và được tư vấn phòng bệnh.
Mô hình bác sĩ gia đình có thể giúp các bác sĩ có công việc ổn định, với số lượng người bệnh, người dân cần CSSK ổn định, thu nhập ổn định.
Đánh giá về lợi ích của mô hình này, ông Tường nhấn mạnh: Bác sĩ gia đình góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe người dân một cách nhanh chóng. Bác sĩ gia đình như người “gác cổng” trong hệ thống cung ứng dịch vụ y tế. Tiết kiệm kinh phí nằm viện, kinh phí bảo hiểm y tế, mang lại hiệu quả kinh tế cho người bệnh, gia đình và xã hội.
Không phải quá mới
Tới dự hội nghị, sau khi nghe các sở và đơn vị báo cáo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có bài phát biểu về vấn đề này. Ông cho rằng Nghị định 117 quy định về chức năng nhiệm vụ của trạm y tế xã phường là chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Bây giờ Bộ Y tế lại chủ trương phát triển bác sĩ gia đình về trạm y tế để chăm sóc sức khoẻ ban đầu tốt hơn cho người dân là “nghe lạ mà không có gì mới”.
Phó Thủ tướng Đam chất vấn: “Tôi hỏi một số Giám đốc Sở Y tế thì họ đều cho rằng mô hình bác sĩ gia đình chỉ ở các nước phương Tây thôi. Nhưng tìm hiểu ra thì lại không có gì mới. Ngay cả kế hoạch đào tạo bác sĩ gia đình cũng không có gì mới vì các bác sĩ ở trạm y tế vẫn là các bác sĩ đa khoa, việc thi thoảng đi tập huấn, cập nhật thông tin bệnh tật, chính sách mới là chuyện bình thường. Vấn đề ở đây chỉ là tăng cường năng lực chăm sóc khám sức khoẻ ban đầu cho các trạm y tế xã.
Thực tế, có nhiều trạm y tế xã xây 2 tầng khang trang, đầy đủ máy móc nhưng lại không có bệnh nhân, có trạm y tế thì sơ sài, đáng giá nhất chỉ có mỗi bàn đỡ đẻ. Ở Hà Nội không nhiệt tình với bác sĩ gia đình là vì sát ngay cạnh ông bác sĩ gia đình có đến 5-6 bệnh viện, xa hơn cũng mất 30 phút đi taxi, sao phải khám bác sĩ gia đình?
Ngay ở các tỉnh đồng bằng, đường xá đi lại thuận tiện, từ xã lên huyện 15 phút. Trong khi đó nhiều tỉnh miền núi, người dân đi cả ngày đường mới tới trạm y tế. Ngày trước chúng ta đầu tư cho y tế cơ sở theo kiểu làm từ dễ đến khó thì nay chúng ta phải chọn làm từ chỗ khó xuống chỗ dễ. Cũng không cần cứng nhắc 1 xã có 1 trạm y tế mà nơi nào người dân cần thì có thể làm nhiều trạm” – Phó Thủ tướng Đam nhấn mạnh.
Để thực hiện mô hình này, Phó Thủ tướng cho rằng không cần đao to búa lớn mà chỉ cần đổi mới cơ chế để cho y tế cơ sở có cơ hội phát triển, thu hút được bác sĩ về công tác.
“Tôi hỏi một bác sĩ ở trạm y tế lương tháng chỉ 3,5-5 triệu đồng, trạm trưởng trạm y tế cũng không được mở phòng khám tư, cơ chế như vậy thì làm sao thu hút được bác sĩ về với xã” – Phó Thủ tướng chia sẻ.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, nếu cứ để cơ chế như hiện nay thì dù Bộ Y tế có đề ra lộ trình phát triển cũng không thành công. Hiện một số cơ sở triển khai mô hình bác sĩ gia đình mới tăng được 15-20% lượt khám là quá ít, không thể tạo ra sự chuyển biến.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng trong thời gian tới sẽ phát triển thêm ở các tỉnh và đầu tư vào các trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa vì ở đây có những nơi khoảng cách 30 – 40km, sẽ có xã có hai trạm y tế.
Còn ở thành phố trạm y tế phường gần bệnh viện sẽ không cần ưu tiên. Với mô hình này, bộ trưởng mong muốn người dân không còn khổ sở từ xã lên huyện, lên tỉnh rồi lên đến trung ương để xin thuốc cho các bệnh mãn tính như tiểu đường như hiện này.