Biên giới Việt- Trung: Nhập hàng TQ tăng vọt, xuất đi giảm mạnh
Tại Hội nghị Phát triển thương mại biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và hải đảo diễn ra ngày 5/1, ông Hoàng Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ thương mại Biên giới và miền núi cho biết năm 2015, tổng kim ngạch mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới ước đạt 27,56 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2014. Trong đó tuyến biên giới Việt Nam- Trung Quốc chiếm 85%, tuyến biên giới Việt – Lào chiếm khoảng 4% và tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia chiếm 11%.
Xe chở dưa hấu ách tắc tại cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh MQ Dân Việt |
Cũng theo ông Tuấn, tính đến nay, trên 3 tuyến biên giới có 295 chợ biên giới, cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. Trong đó, tuyến biên giới Việt – Trung có 102 chợ, Việt – Lào có 53 chợ và Việt Nam – Campuchia có 140 chợ.
Với tuyến Việt Nam- Trung Quốc xuất, nhập khẩu đạt 5.842,3 triệu USD, tăng 10,1%. Trong đó, xuất khẩu đạt 2.665,7 triệu USD, giảm 12,1%.
Nhập khẩu đạt 3.176,6 triệu USD, tăng 40%. Trao đổi hàng cư dân biên giới đạt 227,1 triệu USD, tăng hơn 188% so với năm 2014.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là 3 nhóm: nông, lâm, thủy hải sản, các mặt hàng nhập khẩu gồm 2 nhóm chính là máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, hàng điện tử, thực phẩm, hàng tiêu dùng.
Theo ông Hoàng Minh Tuấn, bên cạnh những việc làm được, công tác hoạt động thương mại biên giới thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Việt Nam với các nước có chung biên giới.
Cụ thể, tại một số cửa khẩu lối mở biên giới, hàng hóa hợp phát xuất xứ Việt Nam được mở tờ khai, làm thủ tục đầy đủ bên phía Việt Nam (hình thức chợ biên giới theo quy định của Trung Quốc) nhưng Trung Quốc yêu cầu chuyển tải sang xe biên mậu để đưa sang Trung Quốc theo hình thức chợ biên giới, nhằm tận dụng ưu đãi 8.000 nhân dân tệ/người/ngày, cách làm này gây chậm trễ, bất tiện cho thông quan hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam.
Hoạt động cư dân biên giới giữa hai nước chưa thực sự sôi động, phong phú; Hệ thống kho bãi tại cửa khẩu chưa đáp ứng được nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa. Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam như dưa hấu, thanh long….khi mua bán, trao đổi với Trung Quốc theo hình thức đi chợ, tức là doanh nghiệp bán không có hợp đồng mua bán sẵn với đối tác Trung Quốc, ồ ạt chở lên biên giới khi vào mùa vụ khiến khả năng thông quan cửa khẩu nhất thời không đáp ứng được, bị doanh nghiệp bên Trung Quốc lợi dụng ép giá, gây nên tình trạng ùn tắc cửa khẩu, làm thiệt hại về kinh tế, khiến dư luận bức xúc và áp lực cho cơ quan quản lý.
Mặt khác, các sự việc bất thường liên quan đến thương mại biên giới xảy ra tại khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới chưa được cập nhật kịp thời; việc cung cấp thông tin khuyến cáo cho doanh nghiệp Việt Nam về những thay đổi điều hành, quản lý biên mậu phía Trung Quốc vẫn còn thiếu.
Đối với thương mại biên giới tuyến Việt Nam- Lào, xuất, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới đạt 1,1 tỷ USD. Song hàng hóa của Việt Nam chịu sự cạnh tranh gay gắt của hàng Thái Lan, Trung Quốc tại thị trường Lào.
Một số nguồn tin từ phía Lào cho thấy, hàng hóa của các nhà đầu tư Việt Nam khi nhập về Việt Nam khônng qua cửa khẩu biên giới 2 nước mà lại đi qua đường cảng biển của Thái Lan để về TP.HCM, nguyên nhân do bất cập và gây nhũng nhiễu trong công tác cửa khẩu của các đơn vị chức năng khiến chi phí tăng cao.
Đối với thương mại biên giới Việt Nam- Campuchia xuất, nhập khẩu hàng hóa qua biến giới chiếm khoảng 11% thương mại biên giới cả nước, ước đạt 3,05 tỷ USD. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: hàng nông sản, hải sản, sản phẩm công nghiệp, sắt thép, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng…các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: cao su, hàng nông sản, và các sản phẩm gỗ…Nhưng tại đây, các lực lượng đối lập của Campuchia kêu gọi tẩy chay hàng Việt Nam gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Công Trưởng, đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết, phía Trung Quốc luôn linh hoạt điều tiết hàng xuất khẩu, hàng tạm nhập tái xuất của ta qua các lối mở, điểm thông quan qua các mốc mới, trong khi đó phía Việt Nam việc cho phép xuât khẩu, tạm nhập tái xuất qua các khu vực đó phải xin ý kiến Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ mới được phép cho đi nên ảnh hưởng rất lớn đến họat động xuất khẩu khu vực trên. Ngoài ra hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp.
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú yêu cầu, trong thời gian tới, cần thúc đẩy đàm phán với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam về việc ký kết các hiệp định, thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại biên giới trong giai đoạn hiện nay.
Sớm nghiên cứu đề án thành lập Hiệp hội kinh doanh biên mậu để đảm bảo quyền lợi cho các thương nhân của Việt Nam trong kinh doanh với Trung Quốc và các nước láng giềng, hạn chế tình trạng thường xuyên bị thua thiệt, ép giá do hoạt động thương mại biên giới là hoạt động đặc thù, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại biên giới của Việt Nam luôn bị động và phụ thuộc nhiều vào điều tiết từ phía Trung Quốc.
Ngoài ra, cụ thể hóa những hợp tác chính sách nhằm thực hiện hiện có hiệu quả Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Lào và Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào trong năm 2016.